Thông tư áp dụng 37 năm, qua 5 năm lấy ý kiến đến nay vẫn chưa ban hành được thông tư thay thế
Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, 2.033 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 1.953 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 96,1%.
Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 38/38 kiến nghị. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 1.867/1.947 kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.
Tuy nhiên ông Bình cũng chỉ rõ, một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa gửi đúng thời hạn báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp, đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, theo nhận định của ông Bình, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước mặc dù đã được ban hành nhưng chưa thể triển khai trong thực tiễn do Bộ, ngành chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách.
“Cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành Danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Qua giám sát cho thấy, tại điểm c khoản 2 Điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định: miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thực hiện Luật, chính sách miễn học phí này vẫn chưa được triển khai. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp”, ông Bình dẫn chứng, từ đó kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục nêu trên.
Bên cạnh đó, từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục đề nghị xem xét giải quyết cho những người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động được nhận hai chế độ trợ cấp.
Tuy nhiên, theo ông Bình, qua giám sát cho thấy, tại khoản 3 Điều 6 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Người có công với cách mạng thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 45 Nghị định số 131 cũng nêu rõ: Đối với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng.
Vấn đề vướng mắc là Nghị định số 131 mới chỉ quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết trợ cấp thương binh đối với người đang hưởng chế độ mất sức lao động, mà chưa đề cập đến quy trình giải quyết đối với trường hợp trước đây chọn thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để chuyển sang nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng được khôi phục quyền lợi về chế độ mất sức. Chính điều này đã gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện tại nhiều địa phương.
Để giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã đề nghị Bộ Nội vụ - cơ quan hiện nay được giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người có công - khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được giải quyết quyền lợi một cách đầy đủ, thống nhất và công bằng. Tiếp thu ý kiến, Bộ Nội vụ đã đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131 để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Ông Bình cũng nêu rằng, cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Song qua giám sát cho thấy, tại Quyết định số 1265 ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Mặc dù Bộ đã xây dựng kế hoạch ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2022, trong đó bao gồm 9 nhóm dịch vụ công nghệ thông tin thuộc danh mục tại Quyết định số 1265, nhưng vẫn chưa ban hành được định mức cho 9 nhóm dịch vụ này. Đến nay, Quyết định số 1265 đã bị thay thế bằng Quyết định số 469.
Từ đó, ông Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm trong việc chậm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1265.
Đặc biệt, cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị ban hành thông tư thay thế Thông tư số 08 ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông để phù hợp với tình hình thực tế.
“Qua giám sát cho thấy, Thông tư số 08 đã được áp dụng trên toàn quốc trong suốt 37 năm qua. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định văn bản này không còn phù hợp với thực tiễn nên đã chủ động xây dựng dự thảo thông tư thay thế. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và của Chính phủ từ ngày 1/7/2020 để lấy ý kiến góp ý của Nhân dân. Tuy nhiên, đến nay đã gần 5 năm kể từ thời điểm lấy ý kiến, thông tư thay thế vẫn chưa được ban hành”, ông Bình dẫn chứng, và kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành thông tư thay thế Thông tư số 08.