Thông tư về giáo dục có hiệu lực từ ngày 10- 9
Từ hôm nay (10-9), Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực thi hành.
Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26-7-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Thông tư này áp dụng đối với: Cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động ở nước ngoài; Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng như: đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ; Bảng quy đổi kết quả thi với Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) được cơ quan quy định công nhận...
Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26-7-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông. Theo đó, Chương trình này được thực hiện theo lộ trình: từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 11 và từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 12.
Chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp; các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.
Cụ thể, các môn học bắt buộc gồm 7 môn, trong đó có 3 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Lịch sử; 4 môn học lựa chọn trong số các môn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc.
Ngoài ra còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm: Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung giáo dục địa phương.
Thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.