Thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh: Nâng tính cạnh tranh, người bệnh hưởng lợi
Chính sách thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho bệnh nhân nội trú từ ngày 1/1/2021 đến nay đã tăng quyền lợi cho người khám, chữa bệnh (KCB). Đồng thời là thách thức tạo sự cạnh tranh giữa các tuyến điều trị đòi hỏi cơ sở KCB nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút bệnh nhân.
Tăng bệnh nhân nội trú
Sau 3 tháng thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, người bệnh có thẻ BHYT được tạo điều kiện thuận lợi khi có chỉ định nhập viện điều trị nội trú dài ngày mà không cần thủ tục chuyển tuyến. Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, quy định này đã tác động lớn, bắt buộc các bệnh viện, trung tâm y tế phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nhân lực, phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Riêng các trung tâm y tế tuyến huyện phải đổi mới mô hình hoạt động phù hợp với tình hình mới.
Thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hơn 800 bệnh nhân lưu viện, tăng từ 15-17% so với tháng 12/2020. Hầu hết người bệnh đều rất phấn khởi trước chính sách mới về BHYT. Mới đây, ông Đặng Văn Tiến ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) vào khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua đánh giá lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ông bị nhồi máu não được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Nhờ chính sách thông tuyến tỉnh, ông Tiến vẫn được hưởng chi phí điều trị theo đúng phạm vi quyền lợi mà không cần giấy chuyển viện. Ông cho biết: "Trước đây, khi điều trị trái tuyến, trường hợp như tôi chỉ được chi trả 60% chi phí KCB nhưng nay được thanh toán 100% chi phí trong phạm vi mức hưởng".
Tuy nhiên do đông bệnh nhân nội trú nên ở một số khoa như: Nội tiêu hóa, Thần kinh, cơ xương khớp vẫn ở khu nhà cũ chật hẹp. Bệnh viện đang thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng tòa nhà trung tâm 15 tầng để phục vụ bệnh nhân tốt hơn và thu hút người dân đến KCB. Hơn nữa do đông bệnh nhân, Bệnh viện tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng sàng lọc, phân loại bệnh nhân tại khoa khám bệnh, ngăn chặn nhiễm khuẩn bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo.
Sau khi thực hiện thông tuyến tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh có lượng bệnh nhân nội trú tăng từ 25-30% so với cuối năm 2020. Đơn vị hiện đang có 240 bệnh nhân nội trú. Qua tìm hiểu, nguyên nhân gia tăng là do với chính sách mới, khi có chấn thương ngoại khoa cần phục hồi các chức năng vận động, người bệnh đã lựa chọn điều trị tại bệnh viện chuyên khoa có nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại hơn ở khoa phục hồi chức năng của trung tâm y tế huyện mà không cần thủ tục chuyển viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thời, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để đón tiếp lượng bệnh nhân tăng cao, đơn vị đã bố trí, sắp xếp lại các buồng, phòng, bổ sung thêm máy tập, điều động bác sĩ chuyên sâu trực tiếp điều trị tại các khoa có bệnh nhân nội trú nhằm đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị để người bệnh tin tưởng, lựa chọn.
Trong khi đó, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại trung tâm y tế các huyện giảm. Nếu như năm 2020, trung bình hằng tháng, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên có từ 220-250 bệnh nhân lưu viện thì nay chỉ có 160. Bác sĩ Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết nguyên nhân do thông tuyến BHYT, trong khi khoảng cách gần, người dân dễ dàng đến các bệnh viện tuyến tỉnh. Thêm vào đó, trên địa bàn phát triển thêm một số bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân.
Bắc Giang có 8 bệnh viện tuyến tỉnh đều gia tăng bệnh nhân nội trú, đặc biệt ở lĩnh vực ngoại khoa, sản khoa. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 27,5 nghìn bệnh nhân nội trú tuyến tỉnh.
Một số trung tâm y tế các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Sơn Động, Yên Dũng cũng giảm từ 12-15% bệnh nhân nội trú. Ngoài tác động của thông tuyến BHYT, thời điểm này, do lo ngại dịch Covid-19, nhiều người ngại nhập viện nên lượng bệnh nhân nội trú tuyến huyện giảm.
Nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ
Chính sách thông tuyến BHYT góp phần tăng tính cạnh tranh, chủ động cho các cơ sở KCB nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ, làm hài lòng người bệnh. Tuy nhiên với những bệnh thông thường, người bệnh vẫn lên tuyến tỉnh điều trị nội trú sẽ gây lãng phí không cần thiết. Trong khi những năm gần đây, các trung tâm y tế tuyến huyện đầu tư, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực phát triển các kỹ thuật chuyên sâu.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, ở các bệnh viện tuyến tỉnh đông bệnh nhân vượt tuyến sẽ tăng nguy cơ vượt dự toán chi phí BHYT. Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Thị Kim Hồng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo khi bệnh nhân mắc các bệnh thông thường không nhất thiết phải lên tuyến tỉnh. Bởi khi khám ở tuyến trên chưa chắc được hưởng BHYT nếu không có chỉ định điều trị nội trú.
Việc liên thông BHYT tuyến tỉnh là thách thức đòi hỏi trung tâm y tế tuyến huyện nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển danh mục kỹ thuật để giữ chân bệnh nhân trong bối cảnh thực hiện tự chủ chi thường xuyên hiện nay. Trước thực tế này, trong quý II/2021, Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn phát triển thêm nhóm kỹ thuật phẫu thuật nội soi: Vá thủng tạng rỗng, khớp háng. Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa thực hiện chuyên sâu kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để thu hút bệnh nhân.
Nhằm tránh tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên tuyến tỉnh, ông Từ Quốc Hiệu cho biết: Ngành y tế tỉnh sẽ tăng cường truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật về KCB đúng tuyến cho người dân. Các trung tâm y tế tuyến dưới khi triển khai các kỹ thuật mới cần giới thiệu, quảng bá rộng rãi cho đông đảo người dân nắm bắt, lựa chọn. Đồng thời đề xuất trong thời gian tới cần điều chỉnh tăng dự toán KCB BHYT cho các bệnh viện tuyến tỉnh có lượt điều trị nội trú đúng chỉ định tăng cao. Các cơ sở KCB song hành thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa sàng lọc, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng điều trị.
BHXH tỉnh yêu cầu giám định viên làm nhiệm vụ tại các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện giám định chặt chẽ hồ sơ bệnh án nội trú bảo đảm không xảy ra tình trạng lạm dụng chỉ định bệnh nhân nội trú. Để tạo niềm tin và thu hút bệnh nhân, bản thân mỗi cơ sở y tế dù ở tuyến nào cũng phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng KCB, làm hài lòng người bệnh.
Bài, ảnh: Minh Thu