Thót tim vì đường cong lãi suất, Dow Jones rung lắc mạnh

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phiên giao dịch rung lắc mạnh khi đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm nhúng xuống mức âm lần thứ ba trong vòng một tuần khiến giới đầu tư thót tim.

 Đường cong lãi suất đảo ngược lần thứ ba trong vòng một tuần khiến giới đầu tư ở Phố Wall hoảng loạn. Ảnh: Fortune

Đường cong lãi suất đảo ngược lần thứ ba trong vòng một tuần khiến giới đầu tư ở Phố Wall hoảng loạn. Ảnh: Fortune

Chốt phiên giao dịch hôm 22-8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,2%, tương đương 50 điểm sau khi dao động mạnh gần 300 điểm giữa điểm cao nhất đến điểm thấp nhất. Trong khi đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,1% và 0,4%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay từ lúc thị trường mở cửa khi nhà đầu tư tiếp tục hứng khởi với kết quả kinh doanh tích cực của các nhà bán lẻ.

Tiếp nối kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của chuỗi siêu thị bán lẻ Target và chuỗi siêu thị nội thất Lowe’s được thông báo ngày trước đó, chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp Nordstrom cũng cho biết trong quí 2, lợi nhuận của chuỗi này đạt 90 cent/cổ phiếu, cao hơn mức dự báo 77 cent của giới phân tích. Nordstrom dự báo lợi nhuận cả năm 2019 đạt từ 3,25-3,5 đô la/cổ phiếu, cao hơn mức 3,27 đô la theo nhận định của giới phân tích.

“Có cảm giác rằng những tên tuổi bán lẻ hàng tiêu dùng Mỹ vẫn kinh doanh tốt và điều này rất quan trọng đối với với một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm”, Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường ở công ty chứng khoán National Securities, nhận định.

Một thông tin tích cực khác đối với giới đầu tư là lượng người Mỹ gửi đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh trong tuần trước. Theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 12.000 đơn, xuống còn 209.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 17-8. Con số này gợi ý rằng thị trường lao động Mỹ vẫn vững chắc bất chấp các dấu hiệu suy yếu ở các khu vực khác của nền kinh tế.

 Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm co giật liên tục trong phiên giao dịch 22-8 và có thời điểm rơi xuống mức thấp hơn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Ảnh: Bloomberg

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm co giật liên tục trong phiên giao dịch 22-8 và có thời điểm rơi xuống mức thấp hơn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Ảnh: Bloomberg

Trong phiên sáng 22-8, chỉ số Dow Jones có lúc tăng đến 187 điểm. Tuy nhiên, điểm số tăng bị thu hẹp sau khi cuộc khảo sát sơ bộ do hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit thực hiện cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng ((PMI) ngành sản xuất Mỹ (PMI) trong tháng 8 rơi về mức 49,9 điểm, dưới ngưỡng trung tính 50 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 9-2009.

PMI rơi xuống dưới mức 50 điểm được xem là suy thoái. Trong khi đó, chỉ số về số đơn hàng mới của các nhà sản xuất hàng hóa Mỹ trong tháng 8 giảm về mức 49,5 điểm, thấp hơn mức 51,7 điểm trong tháng 7 và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 8-2009.

Ngoài ra, doanh thu xuất khẩu trong tháng 8 của các nhà sản xuất Mỹ cũng giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Các dữ liệu này cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tác động xấu đến ngành sản xuất Mỹ.

“Các công ty sản xuất tiếp tục cảm nhận tác động của các điều kiện kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Dữ liệu khảo sát trong tháng 8 cung cấp tín hiệu rõ ràng rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ tiếp tục chậm lại trong quí 3”, Tim Moore, Phó Giám đốc kinh tế của IHS Markit, nói.

Đến cuối phiên sáng, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc với chỉ số Dow Jones giảm hơn 100 điểm so với mức đóng cửa ngày hôm trước khi đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều xuống mức âm do lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm về dưới mức lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Nhưng ngay sau đó, đường cong lãi suất trở lại mức dương.

Đây lần thứ ba đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ nhúng xuống mức âm trong vòng một tuần. Đường cong lãi suất đảo chiều là tín hiệu cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Đường cong lãi suất đảo chiều sau khi Chủ tịch phụ trách khu vực 10 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Esther George và Chủ tịch phụ trách khu vực 3 Patrick Harker nói rằng họ thấy không cần thiết phải hạ lãi suất vào tháng sau để kích thích kinh tế sau khi Fed đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ vào cuối tháng trước.

Phát biểu của họ cho thấy nội bộ Fed vẫn chia rẽ sâu sắc về phương án giảm lãi suất tiếp. Giờ đây, giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell trong cuộc hội thảo chính sách kinh tế hàng năm của Fed tại Jackson Hole bang Wyoming vào hôm nay (23-8).

Giới đầu tư kỳ vọng ông Powell sẽ phát đi các thông điệp mạnh mẽ về cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay, thay vì lặp lại quan điểm xem quyết định hạ lãi suất chỉ là sự điều chỉnh giữa chu kỳ tăng lãi suất.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc đã mua một lượng đậu nành nhỏ của Mỹ vào tuần trước dù đã tuyên bố dừng mua nông sản nước này để trả đũa việc Tổng thống Donald Trump xé bỏ thỏa thuận đình chiến thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi cuối tháng 6.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tuần từ ngày 9 đến 15-8, các công ty Trung Quốc đã ký kết các thương vụ mua 9.589 tấn đậu nành giao trong năm nay và mua 66.000 tấn đậu nành giao cho năm sau.

Theo CNBC, CNN, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293178/thot-tim-vi-duong-cong-lai-suat-dow-jones-rung-lac-manh.html