Thót tim với những cây cầu tự phát
Trên một con sông ở Đắk Lắk có tới 5 cầu do dân tự góp tiền làm. Qua hàng chục năm, cầu xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân, học sinh vẫn liều mình đi qua.
Đập vào mắt mỗi khi đi đến đầu hai bên cầu là biển cảnh báo “Cầu yếu, chỉ dành cho người đi bộ”. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có hơn 700 lượt người dân, học sinh qua lại bằng xe máy.
Đó là cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 3 nối xã Ea Dah với xã Phú Xuân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk). Cây cầu cũ kỹ, hai bên mố cầu làm bằng trụ bê tông thô sơ; các dây cáp nối qua cầu hoen gỉ. Mỗi lần có người đi bộ qua, chiếc cầu cũng rung lắc mạnh, kèm theo tiếng ọp ẹp phát ra từ ván gỗ mặt cầu bị mục.
Giữa trời mưa, ông Hà Đình Xuyên, người dân thôn Xuân Thái 5 (xã Ea Dăh), điều khiển xe máy chở theo vợ chầm chậm chạy qua cầu. Ông cho biết, mỗi ngày ông đi qua cầu cả chục lượt. “Không chỉ đi một mình, tôi còn chở thêm người hoặc bao cà phê sang chợ bán. Nhà ở Ea Dah nhưng mọi giao thương đều phải sang xã Phú Xuân. Nếu tôi đi đường to phải vòng qua xã khác đi 6 cây số, còn đi tắt (qua cầu Xuân Thái 3) chỉ đi hơn 1 cây số. Tiện nhưng không an toàn, mỗi lần đi qua, tôi cũng lo lắm”, ông Xuyên nói.
Ông Trần Quốc Sao, Trưởng thôn Xuân Thái 3 (xã Phú Xuân), cho hay, cây cầu dài 49m, rộng 1,4m, làm từ năm 2013. Cầu chủ yếu do người dân thôn Xuân Thái 3 góp tiền, góp công làm để giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản. Theo ông Sao, nhà các hộ dân thôn Xuân Thái 3, nhưng đất canh tác hầu như nằm ở xã Ea Dăh. Dân muốn qua rẫy phải đi đường vòng hơn 15 cây số hoặc vượt sông bằng bè tạm. Mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết; người, xe máy, nông sản đôi khi rơi xuống sông.
Xin kinh phí Nhà nước không được, hơn 40 hộ có đất canh tác ở xã Ea Dah góp được 120 triệu đồng, rồi bỏ công ra làm suốt 3 tháng mới xong cây cầu. “Cầu làm xong, chúng tôi lập tổ quản lý trông coi. Hằng năm góp kinh phí tu sửa cầu; năm nào hư nặng quá phải xin kinh phí của xã, huyện. Tuy nhiên, 2 năm nay, cầu xuống cấp nặng, dây cáp dưới cầu đã bị đứt. Mỗi ngày, lượng người qua cầu rất lớn, trên 700 lượt người. Lo nhất là trẻ nhỏ đến trường bằng cây cầu này rất nguy hiểm”, ông Sao cho hay.
Cách cầu Xuân Thái - Xuân Thái 3 không xa cũng có cầu treo do người dân thôn Xuân Thái - Xuân Thái 2 góp tiền của làm từ năm 2007. Chỉ tay về bức tường trắng gần bên sông Krông Năng, ông Phạm Bá Tuất, người ở sát cầu (thuộc thôn Xuân Thái, xã Ea Dah), kể lý do dân làm cây cầu trên. “Trước đây, dân 2 bên bờ làm cầu tạm qua sông. Năm 2007, nước lũ tràn về cuốn trôi cả cầu và cả gia đình nhà hàng xóm kế bên.
Từ đó, người dân góp mỗi nhà một ít làm cầu treo. Qua 13 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp nặng, dân chỉ dám đi ban ngày, hạn chế đi ban đêm. Những lúc mưa to, nước dâng cách cầu chừng 1m, chúng tôi cũng không dám đi. Mỗi lần đi qua, cầu rung lắc muốn thót tim nhưng đành nhắm mắt đi. Nếu không đi cầu này, dân phải đi vòng qua xã khác cách xa 20 cây số”, ông Tất kể. Ông cho biết, cây cầu này đã được sửa hơn chục lần. Ngoài tiền dân góp, chính quyền cũng cho thêm, tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp chỉ đủ thay ván, mua mỡ bôi dây cáp…
Cũng trên sông Krông Năng nối xã Ea Dah - Phú Xuân, phóng viên chứng kiến người dân liều mình chở nông sản qua cầu treo Xuân Đạt đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Bùi Đình Hòa, tổ trưởng tổ quản lý cầu, cho biết, khu vực này thuộc vùng sâu nên việc đi lại rất bất tiện. Muốn ra đường lớn, người dân phải băng qua con đường rừng 10 cây số nhưng lại nhỏ hẹp chỉ lọt xe máy. Dân muốn chở nông sản, hay xây nhà đều khó vì xe lớn không vào được.
Bí đường đi, năm 2013, hơn 40 hộ dân ở đây đóng hơn 100 triệu đồng rồi góp sức làm cầu. Từ khi có chiếc cầu, việc giao thương, đi lại thuận tiện hẳn. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, câu treo Xuân Đạt xuống cấp trầm trọng dù đã được người dân, chính quyền cho kinh phí sửa chữa. “Cứ mưa đến, dân chúng tôi thức trắng đêm ra kéo cầu lên vì sợ nước lũ cuốn trôi. Dầm, ván, cáp nối cầu… đã hư lắm rồi, người dân rất mong Nhà nước làm cho cây cầu chắc chắn”, ông Hòa tâm sự.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Năng (Đắk Lắk), trên địa bàn hiện có 39 cây cầu, trong đó có 6 cầu treo do dân tự làm, xuất phát từ nhu cầu đi lại, canh tác nương rẫy. Riêng sông Krông Năng nối xã Ea Dah và xã Phú Xuân có tới 5 chiếc cầu do dân đóng góp làm, quản lý. Tất cả các cầu trên đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Chính quyền huyện đã cho cắm biển cảnh báo, nhiều lần bố trí kinh phí để tu sửa cầu nhưng chỉ khắc phục tạm thời; về lâu dài, người dân rất mong muốn cấp trên bố trí xây dựng cầu dân sinh chắc chắn.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/thot-tim-voi-nhung-cay-cau-tu-phat-1773549.tpo