Thousand Sails: Internet vệ tinh của Trung Quốc cạnh tranh Starlink

Trung Quốc đang có kế hoạch bao phủ Trái Đất bằng 13.000 'Cánh buồm' thách thức công ty của Elon Musk trong lĩnh vực internet vệ tinh.

Trung Quốc đang triển khai kế hoạch đầy tham vọng trong việc bao phủ Trái Đất bằng hàng ngàn vệ tinh trong tương lai. Theo đó, Trung Quốc đang đặt mục tiêu phóng 13.000 vệ tinh để tạo ra một chòm sao mang tên “Thousand Sails” nhằm cung cấp dịch vụ internet toàn cầu.

Tham vọng này đã bắt đầu từ tháng 8 năm nay, khi Trung Quốc đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tham vọng không gian của mình với việc phóng thành công lô 18 vệ tinh đầu tiên.

Công ty Công nghệ vệ tinh Shanghai Spacecom, đơn vị quản lý dự án này có kế hoạch phóng thêm 90 vệ tinh trong năm nay.

Đây được xem là một thách thức lớn đối với Starlink, dịch vụ internet vệ tinh do Elon Musk sở hữu và hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp kết nối băng thông rộng đến các khu vực xa xôi.

Để cho thấy mức độ rộng lớn này của vệ tinh Trung Quốc, chúng ta hãy nhìn vào Starlink khi công ty này đã triển khai hơn 4.500 vệ tinh và cung cấp dịch vụ internet tại hơn 60 quốc gia.

 Hàng vạn"Cánh buồm không gian" của Trung Quốc sẽ sớm phủ khắp quỹ đạo tầm thấp để cung cấp internet vệ tinh. Ảnh: Shanghai Spacecom

Hàng vạn"Cánh buồm không gian" của Trung Quốc sẽ sớm phủ khắp quỹ đạo tầm thấp để cung cấp internet vệ tinh. Ảnh: Shanghai Spacecom

Kế hoạch của Trung Quốc vượt xa những gì Starlink đang cung cấp, điều này khiến Musk và đội ngũ của ông cần phải xem xét lại chiến lược của mình.

Mọi thứ càng đáng chú ý hơn khi mạng lưới vệ tinh của Trung Quốc đang mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt tại một số khu vực ở Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.

Theo các chuyên gia, chòm sao Thousand Sails có thể hỗ trợ nhiều mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, bao gồm bảo mật hạ tầng kỹ thuật số và cải thiện liên lạc quân sự.

SSST có kế hoạch phóng thêm 90 vệ tinh trong năm nay, với kế hoạch chung là triển khai hơn 14.000 vệ tinh.

Thách thức không nhỏ cho Trung Quốc

Giới chuyên gia cho rằng, việc phóng 13.000 vệ tinh không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nếu không được quản lý tốt, điều này có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn quỹ đạo, gia tăng nguy cơ tai nạn và mảnh vỡ không gian.

Hiện tại, quỹ đạo thấp (LEO) đã có hàng nghìn vệ tinh từ nhiều công ty và quốc gia, điều này làm nổi bật sự cần thiết của hợp tác trong quản lý không gian.

Khi Starlink của Elon Musk triển khai vệ tinh của mình, phương Tây không hề có những quan ngại này. Tuy nhiên, gần đây, một số nhà khoa học vũ trụ nêu ý kiến cho rằng chúng cản trở các hoạt động quan sát thiên văn từ trái đất.

Sự lo ngại của phương Tây không chỉ đơn giản là "tiêu chuẩn kép" mà còn là sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi số lượng vệ tinh như vậy còn khiến họ lo lắng về mặt quân sự,

Mục tiêu của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là cạnh tranh với Musk mà còn nhằm thúc đẩy kết nối toàn cầu. Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, quốc gia này dự kiến phóng 648 vệ tinh trong giai đoạn đầu vào năm 2025 để thiết lập mạng lưới internet toàn cầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có tham vọng đưa một đoàn thám hiểm con người lên sao Hỏa để khám phá hành tinh này vào năm 2033.

Sự cạnh tranh nói trên có thể thúc đẩy các công ty vệ tinh như SpaceX phát triển nhanh hơn, tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi các quốc gia và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào không gian, ảnh hưởng của họ sẽ định hình cách thức truy cập internet trong tương lai.

Kế hoạch của Trung Quốc không chỉ thể hiện tham vọng và sức mạnh mà còn cho thấy sự quyết tâm không bị đe dọa bởi các đối thủ khác trong lĩnh vực công nghệ. Cuộc cạnh tranh này có thể ảnh hưởng đến chủ quyền dữ liệu, khả năng truy cập internet và luật kiểm soát không gian, từ đó định hình bối cảnh kỹ thuật số cho các thế hệ tương lai.

Tuệ Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thousand-sails-internet-ve-tinh-cua-trung-quoc-canh-tranh-starlink-2049184.html