Thu 2% phí công đoàn: Doanh nghiệp 'than' cao, công đoàn muốn giữ

2% kinh phí công đoàn doanh nghiệp phải đóng hiện nay chưa được tách bạch trong tổng nội dung chi của tài chính công đoàn, đều này dẫn đến những băn khoăn về mục đích sử dụng thực chất của nguồn thu này...

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Luật Công đoàn năm 2012 hiện hành quy định, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, là cơ sở pháp lý đảm bảo điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Tuy nhiên gần đây, câu chuyện có nên duy trì 2% phí công đoàn hay không một lần nữa lại được đưa ra bàn luận, mổ xẻ, thu hút sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp và người lao động, những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn kinh phí này.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp bày tỏ những băn khoăn về việc thu phí công đoàn 2%, thậm chí cho rằng mức này là quá cao so với khả năng đóng góp của doanh nghiệp. Vấn đề lại một lần nữa được hâm nóng hơn khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây tiếp tục giữ nguyên mức 2% kinh phí công đoàn tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn 2012.

Xung quanh câu chuyện này, VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để có thêm một góc nhìn từ chính người trong cuộc là cơ quan quản lý nguồn kinh phí này.

DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ CÓ THỂ ĐƯỢC MIỄN PHÍ CÔNG ĐOÀN?

Mới đây một số hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đã có kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm còn 1% phí công đoàn thay vì mức 2% như hiện nay và dùng toàn bộ kinh phí đó để chăm lo cho người lao động, quan điểm của ông về đề xuất này, thưa ông?

Thực ra, vấn đề giữ 2% phí công đoàn hiện đang được giữ nguyên trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Dự án luật đã được đăng rộng rãi trên website. Ngoài lấy ý kiến các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi cũng lấy ý kiến của nhiều tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa…Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp vì đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp.

Ở góc độ của các hiệp hội doanh nghiệp khi có những ý kiến đề xuất như vậy, tôi cho rằng điều này vừa là quyền nhưng cũng là trách nhiệm của họ, chúng tôi rất ghi nhận điều đó. Đây cũng là căn cứ để trong quá trình sửa đổi, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét thông qua dự án luật.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng việc trích nộp 2% kinh phí công đoàn trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay là quá cao, nhất là trong bối cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, doanh nghiệp vừa phải gồng mình sản xuất vừa phải chăm lo cho người lao động, thưa ông?

Như tôi đã đề cập trước đó, mức đóng 2% kinh phí công đoàn trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội nghiên cứu và thảo luận rất kỹ khi nghiên cứu và thông qua Luật Công đoàn 2012. Do đó, trong lần sửa đổi này chúng tôi mong muốn giữ nguyên mức phí trên.

Thực ra, trong lần sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tới, theo chỉ đạo chủ yếu là sửa đổi một số vấn đề về tổ chức, nhất là trong bối cảnh luật pháp cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp. Về bản chất, đây cũng là một tổ chức hoạt động trong quan hệ lao động để thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích bình đẳng cho người lao động ở công đoàn cơ sở nên rõ ràng là chúng ta cần có sự chia sẻ với tổ chức này.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên dù muốn hỗ trợ, miễn giảm kinh phí này nhưng hiện nay chưa có tiền lệ nên chúng tôi cũng đề xuất, bổ sung sửa đổi quy định là trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh thì được xem xét miễn giảm phần đóng kinh phí công đoàn. Vấn đề này sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quy định các trường hợp cụ thể được miễn, giảm kinh phí công đoàn.

MINH BẠCH ĐỂ KHÔNG TẠO GÁNH NẶNG

Nhưng cả doanh nghiệp và người lao động vẫn còn những băn khoăn nhất định trong việc chi từ nguồn 2% kinh phí công đoàn này, ông có thể giải thích rõ hơn về việc sử dụng nguồn quỹ này trong hoạt động tài chính công đoàn, thưa ông?

Thực tế, tài chính công đoàn hiện nay đến từ 4 nguồn cơ bản, mà kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương, được hạch toán vào giá thành sản phẩm chỉ là một phần trong số đó. Ngoài ra, tài chính công đoàn còn do đoàn viên công đoàn đóng góp, ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần và do các hoạt động kinh tế của tổ chức công đoàn, các cá nhân tổ chức khác hỗ trợ.

Tất cả các nguồn trên đều được quy vào tài chính công đoàn, được quản lý và sử dụng tập trung chủ yếu cho đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chăm lo cho người lao động. Thậm chí ngay cả việc tổ chức bộ máy cũng lấy từ tài chính công đoàn chứ không phải từ ngân sách Nhà nước.

Cũng phải nói thêm rằng, lâu nay việc quản lý, kiểm toán hàng năm đều được thực hiện theo quy định của Nhà nước rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đúng là trong tài chính công đoàn hiện nay chưa tách bạch rõ nội dung chi từ nguồn kinh phí công đoàn 2% trong tổng nội dung chi, do đó 2% này vẫn được đưa vào quỹ chung gọi là tài chính công đoàn, để chi cho các hoạt động công đoàn.

Theo kết quả tổng kết 7 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, việc chi tài chính công đoàn chủ yếu là cho công đoàn cơ sở đến 73,2%, trong đó nguồn kinh phí công đoàn cũng cơ bản dành cho chăm lo phúc lợi, đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động với tỷ lệ khoảng 84,2% tổng số chi.

Như vậy, việc quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn tới đây sẽ được điều chỉnh, thay đổi ra sao, nhất là trong lần sửa đổi Luật Công đoàn 2012 sắp tới để đảm bảo hơn tính minh bạch, không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, thưa ông?

Trong lần sửa đổi luật lần này, chúng tôi sẽ tiếp thu triệt để các ý kiến mà doanh nghiệp đề nghị, đồng thời sẽ khắc phục những bất cập lâu này còn tồn tại và bổ sung một số quy định cụ thể hơn về sử dụng tài chính công đoàn.

Chẳng hạn như, dự thảo sẽ có phương án quy định cụ thể tỷ lệ trích cho công đoàn cơ sở cao hơn, hiện đang đề xuất để lại cho cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp 75%, còn phần do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng chỉ chiếm 25%. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chi của kinh phí công đoàn cũng được rút ngắn lại chỉ còn tập trung cho 7 nhiệm vụ, trong đó chủ yếu là chăm lo phúc lợi cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanhh nghiệp.

Đặc biệt, liên quan đến quy định tài chính nói chung và kinh phí công đoàn nói riêng, lần sửa đổi này chúng tôi mạnh dạn đề xuất phải được cơ quan kiểm toán định kỳ 2 năm một lần và báo cáo kết quả trước Quốc hội, đây là một quy định rất mới.

Thực tế, lâu nay việc này vẫn được kiểm toán định kỳ nhưng khác là bây giờ phải báo cáo trước Quốc hội để giám sát, tôi cho rằng như vậy hoạt động kiểm toán sẽ được thực hiện một cách toàn diện hơn.

Thêm nữa là, trong lần sửa đổi này dự án luật cũng bổ sung các quy định, hình thức công khai, đó là ngoài công khai trong nội bộ ban chấp hành công đoàn, sẽ có các hình thức công khai khác về sử dụng tài chính công đoàn để người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan giám sát theo dõi. Với các quy định như vậy, tôi nghĩ luật sửa đổi tới đây là hết sức chi tiết, đảm bảo công khai minh bạch, vấn đề chỉ còn là sau này thực thi ra sao mà thôi.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thu-2-phi-cong-doan-doanh-nghiep-than-cao-cong-doan-muon-giu-20201012085918776.htm