Thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết

Tết xưa chẳng mấy nhà thiếu hoa thủy tiên, bởi họ coi đó là sứ giả may mắn và hạnh phúc.

Vài năm trở lại đây, một vài người Hà Nội khôi phục lại thú chơi hoa thủy tiên.

Vài năm trở lại đây, một vài người Hà Nội khôi phục lại thú chơi hoa thủy tiên.

Từ thú chơi thủy tiên, mà các cụ xưa nâng lên thành đạo. Sự mực thước, tràn đầy ý thanh tú ấy, có lẽ giờ đây chỉ còn là quá khứ vàng son để người già hồi tưởng.

Sứ giả hoa thủy tiên

Thủy tiên không phải loại kỳ hoa dị thảo, ngược lại rất phổ biến ở các nhà vườn. Tuy vậy, người nay ít biết ý nghĩa của loài hoa tươi tắn sắc hương và những tập tục đẹp gắn với ngày Tết.

Ngoài ý nghĩa đem lại may mắn, tài lộc và hạnh phúc, hoa thủy tiên còn giống một “nàng tiên” có ý trấn trạch làm phát quang tiềm năng gia chủ. Ấy vậy nhưng mỗi sắc màu thủy tiên lại biểu hiện riêng những thông điệp của lòng người.

Thủy tiên trắng đem đến cho người ngắm cảm giác bất tận của sự thanh khiết tinh khôi. Sự an yên của màu trắng ấy còn khiến cho lòng người cảm thấy được trở về làm một đứa trẻ không hề vẩn đục những lo toan, mưu tính.

Thủy tiên vàng lại khác. Biểu thị của sự giàu có, vương giả và tôn trọng tuyệt đối cũng làm cho người sở hữu thấy những đạo lý ở đời. Xưa theo quan niệm nho gia, sự phân biệt rạch ròi tôi – chủ, dân – vua, cha – con đều có một khoảng cách nhất định. Thủy tiên vàng biểu thị cho khoảng cách ấy, nên chỉ những bậc trí thức, quan lại mới dám bày thủy tiên vàng ra chơi.

Còn thủy tiên màu đỏ, phần nào gắn với ý nghĩa của thủy tiên vàng nhưng có một dấu ấn khác là khát vọng công thành danh toại. Màu hồng, màu tím ẩn trong mình ý nghĩa của hạnh phúc, tình si với mong muốn riêng tư viên mãn như trăng rằm, cũng là thể hiện sự thủy chung son sắt tình nhân – vợ chồng.

Đồng điệu với ý nghĩa của hoa, Tết đến xuân về là dịp mà người xưa thường lựa thủy tiên về chơi. Sau vài trăm năm gắn bó với “loài hành” vốn là quốc hoa của xứ Wales, người Việt đã nâng thành thú chơi thanh tao, cũng biểu thị cho sự cầu kỳ, tỉ mỉ và khéo tay của các bậc nho sĩ nước Nam.

Trong bút ký “Tờ Hoa”, nhà văn Nguyễn Tuân có đoạn tả về cách người xưa tính thời gian bằng cái đồng hồ đặc biệt – hoa thủy tiên. Mỗi năm vào đêm Giao thừa người ta tổ chức cuộc thi hoa thủy tiên ở Văn Miếu, giò hoa nào nở đúng giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ được trao giải. Trong tập “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân cũng mô tả về cách người xưa gọt và chơi hoa thủy tiên cầu kỳ và tao nhã đến mực nào.

Rồi cụ Vũ Bằng trong “Ăn Tết thủy tiên” mượn lời cha nói với con rằng: “Trong các loài hoa, trang nhã và thanh quý nhất là thủy tiên đấy, con ạ”. Qua ngòi bút Vũ Bằng, người nay thấy cách gọt thủy tiên của các cụ xưa sao mà phức tạp mất công đến vậy. Có khi, cả nhà mất ăn mất ngủ mấy ngày chỉ để gọt một củ thủy tiên để đem đi thi. Rồi thì người ta còn ướp trà với loài hoa này để thấy hết những tinh túy thơm tho đất trời. Nhưng dù sao, những dĩ vãng ấy cũng gợi thấy một thời chơi hoa nâng tầm thành đạo, chứ không à uôm chơi xong cái Tết vứt hết ra đường. Đến là tội!

Bí kíp gọt thủy tiên

Thú chơi thủy tiên ngày Tết ở Hà Nội tưởng chừng đã mất, nhưng vài năm trở lại đây được một số nghệ nhân khôi phục lại. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường là người tiên phong lối chơi cầu kỳ này, dù phải mất cả chục năm trời loay hoay vẫn không thành.

Khoảng năm 2000, ông Cường gặp cụ Phạm Hữu là Việt kiều từ Mỹ về nước chỉ dạy bí quyết gọt thủy tiên, thì xem như thú chơi của người xưa mới thực sự “sống lại”.

Những củ thủy tiên được nhập về, nom không khác những củ hành tây. Trước tiên, ngâm củ thủy tiên vào nước vài ngày. Thay nước liên tục cho lớp áo ngoài cùng bợt đi. Nhựa trong củ phai bớt ra thì sau củ mới cho màu trắng ngọc ngà. Vài ngày ngâm rửa như thế, mới bắt đầu một trong những quy trình then chốt là gọt.

Ông Cường bảo rằng, dao dùng để gọt phải thật sắc và sạch. Nhát dao đi một đường ngọt dứt khoát dọc chiếc lá đang ủ mầm. Chiếc lá sau này cong lên hay rủ xuống là tùy vào công lực của nhát dao nông – sâu. Cho nên gọt thủy tiên nhất thiết phải có kinh nghiệm lẫn chiêm nghiệm thì mới thành được.

Trong việc chờ đợi xem chiếc lá cong vênh hay xoắn lại thì việc gọt thủy tiên chẳng khác nào một nhà điêu khắc. Nếu không có hình dung, không có bố cục, và không hiểu tường tận cái sinh trưởng của loài hoa này thì dù có gọt đến nghìn củ cũng chỉ như anh thợ “đẽo cày giữa đường” mà thôi.

Đến bông hoa cũng vậy, ý người gọt muốn cho nó ngửa lên hay cúi xuống đều nằm trong bí quyết lúc gọt. Quan niệm Á Đông cho rằng, một bông thủy tiên mà ngửa lên thì đã hỏng rồi – cô gái không thể ngửa mặt vênh váo được. Cho nên điều chuẩn mực là làm sao bông hoa kia phải cúi xuống như thiếu nữ ý nhị của con nhà gia giáo nền nếp.

Luật chơi hoa thủy tiên, nếu chiếu xét theo qui tắc xưa thì thực là không còn ai trên cõi đời này thực hành được. Bởi vì theo cụ Vũ Bằng: Có ai đã từng xem một cuộc trưng bày thủy tiên hẳn đã thấy các cụ ta ngày trước đã đạt đến tuyệt đích sự thần - thánh - hóa loài hoa. Chẳng hiểu ngày xưa Võ Hậu suy tôn giống mẫu đơn tài tình đến bậc nào, chớ cứ trông thấy các cụ nhà ta trịnh trọng với loài thủy tiên, ta tự nhiên cảm thấy rờn rợn, như hoa là một vị thần linh thiêng thật sự.

Theo nghệ nhân Nguyễn Phú Cường, hiện nay Hà Nội chưa có nhiều người quay trở lại với thú chơi hoa thủy tiên. Một phần vì để theo được thú chơi này phải rất kỳ công, tỉ mỉ lẫn kiên nhẫn. Thứ đến phải hiểu được giá trị văn hóa xưa cũ mới có thể gặt hái được thành công. Thú chơi tao nhã là thế, nhưng không phải ai muốn chơi cũng được, càng không phải cứ theo phong trào vì hoa thủy tiên cũng kén người và hiểu tâm can con người.

“Hoa thủy tiên giống như người thiếu nữ. Chỉnh sửa hoa cũng quan trọng, nhưng không được can thiệp thô bạo. Nhất thiết vẫn phải tôn trọng cái dáng tự nhiên từ lúc gọt mà thành”. - Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thu-choi-hoa-thuy-tien-ngay-tet-s3zsVuYMR.html