Thú chơi lan vương giả đang...'đột biến'

Xưa có câu 'Vua chơi lan, quan chơi trà' chỉ sự vương giả của một thú chơi độc đáo. Giờ thì khác, ai cũng có thể chơi lan, ai cũng có thể là 'vua'. Có điều, người chơi lan thuần túy giờ không còn nhiều. Làng lan liên tục chấn động với những vụ giao dịch lan đột biến tiền tỷ, thậm chí nhiều chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng! Thú chơi lan vương giả đang ngày càng… 'đột biến'.

Lan đai châu đột biến. Ảnh: Gỗ Phiều Nhung

Lan đột biến: Vì sao quý giá?

Lan đột biến quý giá bởi vì nó hiếm! Điều này không có gì phải bàn. Cây lan có thể đột biến về thân - lá - hoa - mùi hương. Nói nôm na là một sự biến đổi khác với bình thường về màu sắc, hương thơm, đặc điểm thân lá… thì được coi là đột biến, nhiều người gọi chung là lan Var. Thông thường bông hoa lan phi điệp có màu tím, nếu trong nở hoa màu trắng tuyền thì là đột biến hoàn toàn. Nếu lưỡi màu, 5 cánh chuyển sang trắng, thì gọi là đột biến một phần. Người chơi lan gọi là cây 5 cánh trắng và thường được viết tắt là 5CT… Nhìn từ góc độ này thì loài lan nào cũng có cây đột biến. Và chính sự phong phú vô cùng tận của các mặt hoa đột biến đã hấp dẫn người chơi lan, yêu lan. Nói một cách hình tượng thì dù có bỏ ra cả đời để sưu tầm mặt hoa lan đột biến, cũng không thể hết được.

Chủ vườn lan “Ngọc Lan Viên” - ông Trần Tuấn Anh - một người chơi lan khoảng 45 năm, được nhiều người yêu lan phong cho là “Hiệp sĩ tầm lan” hay “Vua lan Hà thành” cho biết: “Để có được một cây lan đột biến hoàn toàn là không đơn giản. Thông thường là phải hàng triệu cá thể mới có 1 cây Alba - đột biến hoàn toàn! Vì thế, sở hữu được giống lan đột biến là mơ ước của hầu hết những người yêu lan”.

Trước đây, những loại lan đột biến hoàn toàn (Alba) rất được ưa chuộng, thì nay thị trường đã lãng quên. Những cây phi điệp/giả hạc trắng tuyền đình đám một thời như trắng Hà Đông, trắng Thực Hà, trắng Di Linh… giờ chỉ có những người yêu lan thực sự sưu tầm, không ai đầu tư làm kinh tế từ những cây này nữa do giá đã rất rẻ. Thậm chí, những dòng địa lan, lan hài đột biến hoàn toàn rất có giá trị về khoa học và sưu tầm trên thế giới, giờ cũng không được nhiều người chơi lan Việt Nam quan tâm như trước. Đến mức là nhiều người cảm giác như nói đến lan là chỉ có lan đột biến, cụ thể là phi điệp đột biến mà thôi!

Quả thực cây lan phi điệp đột biến đang có sức hút khủng khiếp đối với nhiều người. Nhất là các dòng lan đột biến một phần (semi alba) như 5 cánh trắng, hồng. Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng nâng cao, nên nhu cầu thưởng thức cái đẹp, thứ vốn chỉ dành cho vua quan ngày xưa, trở nên phù hợp, hấp dẫn với mọi người. Nhất là khi thú chơi này lại đang mang lại giá trị kinh tế vô cùng lớn.

Lan: Thú chơi kim tiền?

Có thể tạm chia làng lan ra thành 3 nhóm: Nhóm yêu lan thực sự, sưu tầm đa dạng các loài, không quan tâm đến lợi ích kinh tế mang lại. Có điều, nhóm này ngày càng ít đi. Nhóm thứ hai là những người chơi lan kiểu “vui chơi có thưởng”. Những người này yêu lan, ngoài các giống bình thường cũng cố gắng sưu tầm một số giống phi điệp đột biến. Sau một thời gian cũng nhân ra được nhiều giống lan đột biến để chia sẻ và thu được khá nhiều tiền, để cải thiện cuộc sống và tiếp tục sưu tầm thêm nhiều giống lan đắt tiền khác.

Cũng có người thấy lợi nhuận quá lớn, chuyển hướng sang đầu tư lan đột biến và trở thành những người dẫn dắt, chi phối thị trường lan. Nhóm thứ ba là những nhà đầu tư, thuần túy làm kinh tế từ lan. Do giá trị kinh tế từ lan đột biến mang lại quá lớn, nên rất nhiều người từ chỗ không hề có khái niệm gì về lan, hiển nhiên là không yêu lan mấy, cũng lao vào đầu tư mua các giống lan đột biến đắt tiền.

Cũng có những người không thành công, nhưng số đó không nhiều lắm. Đa phần những người mạnh dạn hay nói chính xác là liều đầu tư, đã kiếm được nhiều tiền từ lan đột biến để mua nhà, sắm xe, kim cương, đá quý… Vì thế, những người khác càng bị thuyết phục và cũng lao vào cuộc đua kinh doanh lan đột biến đang có những diễn biến thật khó lường.

Có thể nói rằng, như tất cả các ngành nghề kinh doanh khác, cái gì mang lại lợi nhuận cao thì sẽ có tình trạng làm giá, kiểm soát thị trường, tạo sóng để hút người đầu tư, gom tiền cho các “ông lớn”. Lan cũng vậy, nếu chơi không tỉnh táo sẽ “bị lan chơi”. Mà một khi “bong bóng” vỡ, người thiệt hại sẽ là người đến sau. Các “ông lớn” đã “vào bờ” và rút tiền mua bất động sản, xe cộ và kim cương, đá quý… rồi!

Nhà báo Hà Văn Kiệm

Lan tiền tỷ: Thật hay ảo?

Có thể khẳng định luôn là các giao dịch lan tiền tỷ vừa thật vừa ảo! Vì sao ngày càng có nhiều giao dịch với số tiền khổng lồ đến thế? Có rất nhiều lý do: Thứ nhất là có những giống lan đột biến hiếm thực sự. Cái gì hiếm thì giá bị đẩy lên cao. Cao bao nhiêu là vừa, là đúng giá trị cây lan thì chịu! Nói nôm na là nếu bạn làm ra một sản phẩm mà có 10 người hỏi mua thì giá khác. Một nghìn người hỏi mua thì giá khác, tất yếu cao hơn. Và khi có cả chục nghìn người săn lùng thì muốn bán giá bao nhiêu cũng được. Vừa bán vừa đuổi khách vẫn đắt hàng. Có những khi người mua năn nỉ chốt được giò lan, còn mừng hơn là người bán. Đây cũng chính là yếu tố thứ hai khiến giá lan bị đẩy lên cao. Bởi càng nhiều giao dịch khủng thì thị trường càng nóng, người muốn kiếm tiền từ lan càng nhiều.

Chuyện các đại gia bất động sản, ô tô… rút vốn lao vào lan không phải còn là hiếm. Nhiều chủ doanh nghiệp, cán bộ công chức cũng đầu tư lan đột biến và kiếm được khá nhiều tiền. Thậm chí thời gian gần đây người ta “quan hệ”, “lót tay” nhau không phải bằng tiền, mà bằng các giò lan đột biến có giá trị khổng lồ.

Và do siêu lợi nhuận từ lan mang lại, nên chỉ trong nửa cuối năm 2020, có thêm hàng trăm vườn lan lớn được mở ra. Có người nói cây lan không làm ra giá trị kinh tế thật cho xã hội. Điều này không hoàn toàn đúng, bởi lẽ nhờ ngành lan phát triển mà tạo rất nhiều công ăn việc làm cho những người “làm công nghiệp phụ trợ”, từ chậu trồng lan, giá thể, móc treo, tem ghi tên, phân bón, thuốc các loại... Rất nhiều người đã vượt qua khó khăn, làm giàu từ lan và các sản phẩm liên quan đến lan.

Trở lại với chuyện kiếm tiền từ lan đột biến. Rất nhiều người đã liều mạng vào loại hoa này, dù không có một chút kiến thức hay kinh nghiệm gì về lan! Nhiều người đã đặt sổ đỏ, cầm cố nhà vay lãi ngày để “đầu tư”. Gọi là đầu tư cho oai chứ thực chất là bỏ ra số tiền lớn, rất lớn để mua các giò lan đột biến, rồi bán lại, “lướt sóng” kiếm lời.

Thị trường lan: Bao giờ… sập?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra mỗi ngày, khi nhắc đến thị trường lan. Ngay từ năm 2016 - 2017, đã có nhiều người dự báo, với tốc độ nhân giống nhanh, dễ dàng như cây phi điệp, thị trường lan sẽ nhanh chóng bão hòa. Thị trường lan sẽ… sập! Nhưng năm 2020 vừa qua đi đã cho thấy một thực tế rất lạ. Trong khi hầu hết các ngành kinh tế khác điêu đứng, vô số doanh nghiệp phá sản vì tác động của dịch Covid-19, thì ngược lại, thị trường lan lại ngày càng sôi động. Có người còn nói, sau Covid-19, tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ, du lịch hay bất động sản… đều chết, trừ làm lan đột biến!

Không những không chết, thị trường lan liên tục bùng nổ với các giao dịch nhiều tỷ đồng, thậm chí nhiều chục tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng. Những ai lo ngại “lan sập” dường như bị trượt mất cơ hội kiếm tiền, khi nhìn những người liều mạng đầu tư lan đột biến và kiếm về tiền tỷ. Chưa bao giờ câu nói “có gan làm giàu” lại đúng như thế khi nói về làm kinh tế từ lan đột biến.

Đương nhiên không có ai bỏ ra cả mấy trăm triệu đồng, hay mấy tỷ đồng để mua lan về chơi. Mà đã là mua lan đột biến để đầu tư thì hiển nhiên đối mặt với nhiều rủi ro như cây bệnh chết, sai hoa (mua phải cây lừa đảo) hay lan rớt giá, sập sàn! Vì thế, nếu không liều mạng thì chắc chắn không mấy ai dám bê cả bao tải tiền đổi lấy 1 mẩu lan giống bé tí tẹo đâu!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-choi-lan-vuong-gia-dangdot-bien-post457671.antd