Thú chơi 'lồng kính xanh' của giới trẻ

Mỗi tháng, Nhật Minh đều dành một khoản tiền để mua dụng cụ, nguyên liệu cho bể terrarium của mình. Đến lần thứ 3 thử làm, anh mới có thể nuôi thành công cây cối trong bể.

Terrarium là thuật ngữ chỉ mô hình hệ sinh thái thu nhỏ, mô phỏng môi trường tự nhiên gồm đất, nước, không khí, sỏi, cây trồng, thậm chí có thể có động vật sống bên trong. Nhiều người hiểu đơn giản đây là thú chơi cây trồng trong bể thủy tinh.

Theo The Atlantic, terrarium ra đời vào năm 1842, dần phát triển ở những nước châu Âu và Mỹ. Tại Việt Nam, thú chơi này mới phổ biến trong một vài năm trở lại đây.

Biết đến terrarium qua một bài báo, Nhật Minh (19 tuổi, Hà Nội) cảm thấy hứng thú, sau đó học cách làm những "lồng kính xanh" như một cách để "đem rừng về phố".

Chưa có nhiều điều kiện để theo đuổi đam mê, mỗi tháng, anh thường tiết kiệm vài trăm nghìn đồng để mua dụng cụ và nguyên liệu.

Chia sẻ với Zing, chàng trai cho biết mình tham khảo những mẫu bể terrarium ưng ý trên các diễn đàn mạng xã hội, sau đó làm theo. Ban đầu, anh nghĩ việc trồng cây trong bể kính không quá khó khăn, chỉ cần bổ sung đủ nước và dưỡng chất.

Tuy vậy, đến lần thử thứ 3, Nhật Minh mới có thể làm được một bể terrarium hoàn chỉnh, cây cối phát triển tốt. Đến nay, thành quả của anh là 5 bể kính với chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng.

Nhật Minh tỉ mỉ thử làm bể terrarium đến lần thứ 3 mới thành công.

Nhật Minh tỉ mỉ thử làm bể terrarium đến lần thứ 3 mới thành công.

Thú chơi giúp sống chậm

Tình cờ bắt gặp những hình ảnh về terrarium trên mạng xã hội, Thanh Phương (20 tuổi, Hà Nội) bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của những bồn cảnh thủy tinh và bắt đầu theo đuổi bộ môn này.

2 năm qua, cô sưu tầm từ những đồ dùng cơ bản nhất như bể, dụng cụ sắp xếp, giá thể cho đến cây trồng... Đến hiện tại, cô đã dành khoảng 18 triệu đồng cho 6 bể kính với nhiều kích thước, kiểu dáng khác nhau.

Thậm chí, cô thừa nhận mình phải hạn chế mua sắm để có kinh phí theo đuổi những khu vườn trong bể kính.

"Bản thân tôi là người hướng ngoại, nhưng cũng rất thích việc ngồi một mình trong phòng để ngắm nhìn bể kính và nghe nhạc nhẹ. Sắc xanh từ những bể terrarium giúp tôi rèn luyện sự tập trung và bình tĩnh, bớt nóng nảy hơn và tìm được sự cân bằng trong cuộc sống", cô tâm sự.

Việc ngắm nhìn những bể terrarium giúp Thanh Phương cảm thấy nhẹ nhõm, giảm stress.

Việc ngắm nhìn những bể terrarium giúp Thanh Phương cảm thấy nhẹ nhõm, giảm stress.

Tương tự Thanh Phương, Viết Chung (22 tuổi, Hà Nội) có thói quen ngắm nhìn những bể cây xanh của mình để thư giãn sau mỗi ngày làm việc.

Đối với anh, trồng terrarium giúp giảm căng thẳng rất tốt. Theo đuổi thú chơi này trong 2 năm qua, anh cũng có được những trải nghiệm thú vị với thiên nhiên, đồng thời có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

"Terrarium tựa một khu vườn nhỏ với khung cảnh tươi mát. Chúng ta có thể quan sát nhiều quá trình tự nhiên đang diễn ra như quang hợp, hô hấp, tuần hoàn nước, mọc mầm non hay rụng lá trong khu vườn ấy, quả thực rất yên bình", Viết Chung chia sẻ thêm.

 Viết Chung sở hữu cho mình hàng chục bể terrarium sau 2 năm tìm tòi, thực hành.

Viết Chung sở hữu cho mình hàng chục bể terrarium sau 2 năm tìm tòi, thực hành.

Đòi hỏi sự tỉ mỉ

Với kinh nghiệm của mình, Viết Chung cho rằng một bể terrarium hoàn chỉnh cần có những yếu tố sau:

Cây trồng

Cây cối là linh hồn của một bể terrarium, trong đó một số loại cây thích hợp là rêu, dương xỉ hoặc cây bán cạn có cùng đặc điểm.

Theo anh, trước khi được đưa vào bể kính, thực vật cần được chăm sóc kỹ lưỡng để làm quen với môi trường mới. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn chọn lọc và nghiên cứu những loài phù hợp, những cá thể khỏe mạnh tạo nên cộng đồng thực vật trong bể.

"Mỗi loài thực vật có đặc điểm riêng về kích thước, hình dáng, độ ẩm, ánh sáng, xu hướng phát triển… Bởi vậy, mỗi người chơi cần có kiến thức về những loại cây mình chọn, sắp xếp sao cho hài hòa và hợp lý với những nguyên tắc cơ bản trong tự nhiên", anh nói.

Sắp xếp các thành phần

Sắp xếp các thành phần trong bể terrarium cũng rất quan trọng. Đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển của hệ thực vật. Bể cần độ ẩm cao nên lớp nền (đá, đất) cần thoáng, tơi xốp và giữ ẩm tốt. Nguyên liệu phải được xử lý trước khi sử dụng để loại bỏ những rủi ro như mầm bệnh và nấm mốc.

Sau khi hoàn thành 2 bước trên, công đoạn tiếp theo là xây dựng bố cục cho bể. Ở bước này, người chơi có thể thoải mái sáng tạo, sắp xếp những nguyên liệu theo ý thích của mình.

"Mỗi bể, tôi cần khoảng 5 tiếng để hoàn thiện. Kích thước của bể khá đa dạng, có thể chỉ bé bằng hai bàn tay hoặc rộng vài m", Viết Chung cho hay.

Mỗi bể cảnh được Viết Chung chăm sóc với một chế độ ánh sáng, độ ẩm và dinh dưỡng khác nhau.

Mỗi bể cảnh được Viết Chung chăm sóc với một chế độ ánh sáng, độ ẩm và dinh dưỡng khác nhau.

Bảo dưỡng và chăm sóc

Để duy trì một bể terrarium, Viết Chung luôn giữ nhiệt độ trong bể ở mức 24-28 độ C, độ ẩm khoảng 80-95%. Đây là môi trường lý tưởng cho các loại rêu và cây bán cạn sinh trưởng.

Với điều kiện thực tế như ở Việt Nam, anh tạo độ ẩm bằng cách phun sương hàng ngày 1-2 lần, bật đèn 5-8 tiếng. Ngoài ra, anh bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng bình xịt phun sương.

"Độ ẩm bị thừa cộng thêm nhiệt độ cao sẽ khiến cây dễ bị rữa, tạo môi trường lý tưởng cho nấm mốc phát triển. Còn nếu thiếu ẩm và bật đèn quá nhiều sẽ làm cây dễ chết khô. Vì vậy, những người chơi cần tự mình trải nghiệm để có cảm quan thực tế", anh cho hay.

Mỗi bể terrarium không có tuổi thọ nhất định mà phụ thuộc phần lớn vào công chăm sóc, sự tỉ mỉ của người chơi. Có bể cây chỉ được khoảng 1-2 tháng, nhưng cũng có người duy trì bể tươi xanh đến vài năm.

 Anh lắp đặt hệ thống kệ giúp bảo quản các bể terrarium cùng cây ươm, nguyên liệu.

Anh lắp đặt hệ thống kệ giúp bảo quản các bể terrarium cùng cây ươm, nguyên liệu.

Dịch vụ làm bể cảnh đắt khách

Bên cạnh terrarium, paludarium cũng thu hút đông đảo người chơi. Đây là mô hình bán cạn bao gồm cảnh vật, cây cối trên cạn kết hợp với một phần thủy sinh ở dưới mặt nước.

Bể paludarium tái hiện môi trường của rừng mưa nhiệt đới, có kích thước lớn hơn nhiều so với terrarium.

Vì sự phức tạp và kích thước của các bể lớn như paludarium, nhiều người thường tìm đến những đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp thay vì tự làm tại nhà. Đó cũng là cơ hội để những người chuyên thiết kế, thi công bể cảnh như Đức Trần (23 tuổi, TP. HCM) trở nên bận rộn, đắt khách trong vài năm qua.

Trao đổi với Zing, anh cho biết đối tượng khách hàng của mình thường là những người sưu tầm cây cối hoặc đơn thuần là muốn có một mảng xanh trong nhà.

Đối với bể paludarium, anh thường trồng một số loại cây nhiệt đới như anthurium (hồng môn), philodendron (trầu bà), monstera (trầu bà Nam Mỹ) hoặc begonia (hải đường)…

Cây cối thường được anh sắp xếp trong bể theo đặc tính phát triển và kích thước của từng loài. Ví dụ, cây leo cao sẽ được đặt ở phía sau, leo trên tường đá, còn cây bò ngang, mọc bụi xếp phía trước.

"Bên cạnh trồng cây, người chơi có thể nuôi cá hoặc một số loại động vật như tắc kè hoa, bọ ngựa, rắn, ếch kiểng… trong bể", anh cho hay.

 Đức Trần chuyên thiết kế các bể paludarium phức tạp cho khách hàng.

Đức Trần chuyên thiết kế các bể paludarium phức tạp cho khách hàng.

Theo Đức Trần, việc chăm sóc một bể terrarium hoặc paludarium khá phức tạp khi người chơi phải chọn lựa các loại đá phù hợp, sử dụng nước lọc tưới cây nhằm không gây bệnh cho các loại cây trồng và sinh vật.

Trong quá trình thiết kế một bể bán cảnh, công đoạn khó nhất là sắp xếp bố cục bởi điều này quyết định đến 80% hình hài của bể. Các loại cây khi được sắp xếp cũng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố này.

Ngoài ra, người chơi cũng cần chuẩn bị các loại đèn chuyên dụng cho bể để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

"Hiện tại, giá mỗi bể terrarium dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Những bể paladarium kích thước lớn có thể lên tới vài chục triệu đồng. Bởi vậy, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một chiếc bể phù hợp với bản thân", Đức Trần chia sẻ thêm.

Bể paladarium đòi hỏi công thiết kế cầu kỳ hơn, có giá thành lên đến hàng chục triệu đồng.

Bể paladarium đòi hỏi công thiết kế cầu kỳ hơn, có giá thành lên đến hàng chục triệu đồng.

Các mô hình terrarium thường thấy:

Aquaterrarium gồm một phần trên cạn và một phần dưới nước. Mô hình này ban đầu được một số nhà sinh vật học hoặc người sưu tầm tạo ra để nuôi các loại rùa, cá sấu vốn có thể sống được cả trên cạn lẫn dưới nước.
Riparium là mô hình mô phỏng quang cảnh của một đoạn bờ sông. Đặc điểm chính của nó các loài thực vật có rễ dày đặc và tỉ lệ nước khá lớn (thường trên 50%).
Rivarium cũng mô phỏng lại một đoạn sông, suối. Mô hình này đặc trưng với nhiều sỏi đá cùng mực nước tương đối thấp. Thực vật thường thấy là các dạng cây bán cạn và các động vật thủy sinh.
Desertterrarium tái hiện lại quang cảnh sa mạc nên chất nền chính là lớp cát sâu hoặc hỗn hợp đất sét và cát. Desertterrarium không có nhiều cây và chủ yếu là những loại cây chịu hạn tốt như xương rồng, sen đá.
Forestterrarium mô phỏng sinh cảnh các khu rừng hoặc một phần của rừng, được xem là một dạng chuyển tiếp giữa terrarium khô và terrarium rừng mưa nhiệt đới.
Rainforest Terrarium mô phỏng môi trường sống của các loài động vật, thực vật ở một khu vực của rừng mưa nhiệt đới.
Steppeterrarium mô phỏng thảo nguyên khô và được xem là sự chuyển tiếp của terrarium sa mạc và savan.
Savannaterrarium mô phỏng hệ sinh thái trảng cỏ, đặc trưng bởi các loài thực vật thuộc loại bụi gai nhỏ thân hóa gỗ, cây bụi ôn đới,.. và các loại đá.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-choi-long-kinh-xanh-cua-gioi-tre-post1357382.html