Thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định và hàng trăm bức thư tình thời chiến
Cuốn sách 'Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế' tập hợp, giới thiệu những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Độc giả có thể đọc những bức thư của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn, chị Võ Thị Tần - nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc - viết cho mẹ vào ngày 19/7/1968…
Mùng 5 tháng Giêng tại Phố sách Hà Nội, Nhà Xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế nhằm tôn vinh truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - khẳng định cuốn Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế là tư liệu quý giá, cung cấp cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách.
"Buổi giới thiệu sách hôm nay sẽ trở thành động lực để chúng ta tiếp tục có những hoạt động hiệu quả, khơi dậy ý chí, lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo của mỗi người để trở thành một thế hệ công dân hữu ích, mạnh mẽ, năng động, xây dựng đất nước", ông Nguyễn Thái Bình nêu.
Cuốn sách với dung lượng hơn 400 trang, giới thiệu những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư thời chiến hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, giới thiệu đến độc giả nhiều lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế nhằm tôn vinh truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.
Độc giả không chỉ thấy những dòng cảm xúc chứa chan, mà còn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên qua từng câu chữ. Vượt lên trên những khó khăn, gian khổ mà những người bà, người chị, người vợ, người mẹ ấy đã trải qua là một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của cả dân tộc.
Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ thời kháng chiến, tất cả thông tin cá nhân muốn chuyển cho nhau, những niềm thương, nỗi nhớ, những điều cần dặn dò, tâm sự… đều được gửi qua lá thư.
"Phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời thư mới đến được tay người nhận", ông Đặng Vương Hưng nói.
Vì vậy, những lá thư ấy không chỉ trở thành di sản mà còn là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ phụ nữ ưu tú và tiêu biểu nhất của dân tộc ta dành cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong
cuốn sách có lá thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi cho con trai, những lá thư của bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - gửi cháu, lá thư của chị Võ Thị Thắng - người con gái có "Nụ cười chiến thắng” - gửi cho gia đình từ Côn Đảo…
Có những bức thư của y sĩ cứu thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ Nguyễn Thị Ngọc Toản dành cho người yêu tên Khánh (sau này là Trung tướng Cao Văn Khánh - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam) được viết trong những năm 1954-1973.
Độc giả có thể đọc những bức thư của nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ, khi họ cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình mới chính thức được đoàn tụ. Đó còn là bức thư quý giá của chị Võ Thị Tần - nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc - viết cho mẹ vào ngày 19/7/1968…