Thu Cúc từng bước giảm nghèo
PTĐT - Thu Cúc là xã miền núi của huyện Tân Sơn với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Mô hình chăn nuôi trâu bò theo quy mô trang trại của gia đình anh Nguyễn Bá Đắc ở khu Trung Tâm 1 cho hiệu quả kinh tế cao.
PTĐT - Thu Cúc là xã miền núi của huyện Tân Sơn với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng vài năm trở lại đây, số hộ nghèo đã giảm nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng với những bước đi sáng tạo, đúng đắn của địa phương trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Trở lại Thu Cúc vào những ngày đầu tháng 6, trên những con đường trải nhựa, bê tông phong quang sạch đẹp. Chúng tôi nhận thấy các công trình điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã… đã được xây dựng khang trang, kiên cố. Thăm các khu trong xã chúng tôi bị hút tầm mắt bởi màu xanh ngát, tràn đầy sức sống của những đồi chè, nương ngô. Thấp thoáng trên nền xanh ấy là những ngôi nhà gỗ, nhà xây, mái lợp ngói… Tiếng nói cười của bà con đang vào vụ thu hoạch lúa rộn rã trên khắp các cánh đồng.
Ghé thăm một số gia đình trong xã, nhận thấy những đổi mới về tư duy cũng như cách thức làm ăn kinh tế của đồng bào vùng cao đã khác xưa rất nhiều. Gia đình anh Nguyễn Bá Đắc ở khu Trung Tâm 1 là một điển hình. Từ mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa đã giúp gia đình anh thoát nghèo và trở thành hộ khá của khu với thu nhập mỗi năm gia đình anh thu về hơn 500triệu đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 1-2 lao động địa phương. Có vốn anh lại đầu tư mua xe tải hạng nhỏ để đưa trâu, bò đi các chợ bán hoặc bán cho các địa phương khác thu lợi nhuận cao hơn. Anh Đắc chia sẻ: “Gia đình tôi có được ngày hôm nay không chỉ có sự nỗ lực của gia đình, mà còn nhờ cán bộ xã đã luôn đồng hành, giúp đỡ tôi từ định hướng phát triển kinh tế, đến tạo điều kiện để tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi”.Là xã thuần nông, Thu Cúc hiện có 17 khu dân cư, với 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm 75%. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ những nguồn vốn của các chương trình, chính sách dành cho đồng bào các dân tộc, đến nay điện, đường, trường, trạm ở xã được xây dựng khá khang trang, đồng bộ. Bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi để tăng thu nhập, đời sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện về mọi mặt. Để có được kết quả đó, Đảng ủy xã đã có nhiều buổi họp bàn, tìm hướng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó, trong các kế hoạch phát triển kinh tế được xây dựng đầu năm, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Phát triển đàn gia súc, gia cầm, sản xuất sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, phát huy vai trò của mỗi đảng viên trên mặt trận phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 13%, giảm 18% so với năm 2015.Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực, xã đã chỉ đạo nhân dân tận dụng các diện tích đất đồi thoải, vườn tạp chuyển sang trồng chè và một số cây hoa màu khác. Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chế biến chè đứng chân trên địa bàn thu mua chè thương phẩm cho người dân, đảm bảo quyền lợi và đầu ra ổn định. Với hướng đi phù hợp, hiệu quả nên người dân trong xã hăng hái tham gia mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có 280ha, diện tích cho sản phẩm là 266ha, năng suất đạt trên 18,6 tấn/ha, sản lượng đạt 4.953 tấn. Cùng với mở rộng diện tích chè, cấp ủy, chính quyền xã cũng vận động nhân dân tích cực mở rộng diện tích trồng lúa với tổng diện tích 514ha, diện tích ngô là 145ha. Ngoài ra, xã cũng vận động bà con phát triển các loại cây công nghiệp có hiệu quả cao như cây keo lai; cây ăn quả có múi (bưởi, cam canh, chanh, ổi, dứa,…). Chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc như: Lợn, trâu, bò, dê...; tổng đàn gia súc của xã đạt trên 7.000 con, gia cầm 50 nghìn con. Đây cũng là hướng đi giúp bà con các dân tộc trong xã giảm nghèo bền vững. Tận dụng lợi thế đất rừng, cấp ủy, chính quyền xã còn làm tốt công tác giao đất, giao rừng cho nhân dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn xã có 8.087ha đất rừng, trong đó: Rừng phòng hộ là 4.009ha, rừng sản xuất là 4.068ha. Thu Cúc còn quan tâm phát triển các ngành nghề, dịch vụ; hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn trong 5 năm đã tăng trưởng khá. Cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm sau cao hơn năm trước đặc biệt là chế biến gỗ. Trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp chế biến gỗ, 1 doanh nghiệp kinh doanh xe máy và 7 cơ sở chế biến gỗ hoạt động tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương từ 6-10 triệu đồng/tháng. Tính đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 24 triệu đồng/năm.Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Toàn xã đang tập trung cố gắng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất. Những đổi mới hôm nay là kết quả phấn đấu cả chục năm trời của bà con đồng bào miền núi. Chính quyền và nhân dân xã sẽ còn phải tiếp tục cố gắng trong thời gian tiếp theo để gặt hái những thành công trên con đường xây dựng một địa bàn miền núi no ấm.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202006/thu-cuc-tung-buoc-giam-ngheo-171171