Thủ đô Hà Nội và một số địa phương không khí ô nhiễm ở mức rất xấu

Sáng 21/1, Hà Nội 'chìm' trong sương mù dày đặc, tầm nhìn giảm đáng kể, gây không ít khó khăn cho việc lưu thông. Không khí ô nhiễm ở mức rất xấu (chỉ số chất lượng không khí - AQI từ 201-300).

Cầu Long Biên chìm trong màn sương mờ ảo do ô nhiễm không khí, sáng 2/1/2025. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cầu Long Biên chìm trong màn sương mờ ảo do ô nhiễm không khí, sáng 2/1/2025. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 21/1, kết quả quan trắc tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng ở mức rất xấu.

Tại Hà Nội, kết quả quan trắc của 2 trong số 3 trạm đo thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy, chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức rất xấu; trạm còn lại cũng ở mức xấu. Cụ thể, tại Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 229; cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 246; Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 173.

Các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, chất lượng không khí đều ở mức rất xấu với chỉ số AQI lần lượt là 202, 237, 254, 232 và 208. Đặc biệt, tại tỉnh Thái Nguyên, 3 trạm đo là đường Hùng Vương (thành phố Thái Nguyên), phường Quan Triều (thành phố Thái Nguyên), khu vực sân vận động Giang Thép (phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên), chỉ số AQI lần lượt là 250, 272, 279; riêng trạm đo tại phường Mỏ Chè (thành phố Sông Công), chỉ số AQI là 297 – chạm ngưỡng nguy hại (301-500).

Nguyên nhân khách quan gây ô nhiễm không khí là vào mùa Đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ. Gió Đông Nam đang chi phối thời tiết miền Bắc. Sáng sớm, gió đưa ẩm vào sâu trong đất liền, gặp bề mặt lạnh và hơi nước ngưng tụ thành sương mù. Thời gian sương dày nhất từ 4-8 giờ khiến tầm nhìn giảm đáng kể, gây không ít khó khăn cho việc lưu thông, nhất là đường cao tốc, vành đai trên cao.

Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nan giải của Thủ đô Hà Nội. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội bao gồm khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội và các địa phương Đồng bằng sông Hồng huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết.

Để bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến chất lượng không khí qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web:https://cem.gov.vn và https://enviinfo.cem.gov.vn. Ngành y tế khuyến cáo người dân tránh tập thể dục ngoài trời, nếu ở trong nhà thì nên đóng cửa sổ và bật máy lọc không khí; đeo khẩu trang nếu bắt buộc phải ra ngoài.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/thu-do-ha-noi-va-mot-so-dia-phuong-khong-khi-o-nhiem-o-muc-rat-xau-20250121092826633.htm