Thủ đô Indonesia chịu nhiều sức ép kinh tế do tái áp đặt phong tỏa
Thủ đô Jakarta sẽ mất đi nhiều nguồn doanh thu tiềm năng do các biện pháp hạn chế, một trong số đó là khả năng mất nguồn thu thuế trong khu vực.
Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, một số nhà kinh tế dự đoán rằng các biện pháp hạn chế quy mô lớn tại thủ đô Jakarta sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Điều này càng làm cho nguy cơ suy thoái kinh tế vào quý 3/2020 sớm trở thành hiện thực.
Nhà kinh tế Bhima Yudhistira Adhinegara thuộc Viện phát triển kinh tế và tài chính (INDEF) dự đoán, thủ đô Jakarta có khả năng mất 117.000 tỷ rupiah từ việc lưu thông tiền tệ, bởi 70% số tiền đang lưu hành của Indonesia nằm ở thành phố này.
Hơn nữa, Ngân hàng Indonesia đã ghi nhận lượng tiền lưu thông theo nghĩa hẹp bao gồm tiền tệ, tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng rupiah và tiền điện tử là 1,683 nghìn tỷ rupiah vào tháng 7/2020.
Việc các biện pháp phong tỏa được thực thi nghiêm ngặt sẽ làm giảm lượng tiền lưu hành ở Jakarta. Việc nguồn cung tiền sụt giảm sẽ gây nhiều tác động đến nền kinh tế quốc gia. Do đó, suy thoái kinh tế của Indonesia trong quý 3/2020 dường như chắc chắn sẽ xảy ra.
Trong khi đó, theo nhà kinh tế Yusuf Rendy Manilet của Trung tâm cải cách kinh tế (CORE), thủ đô Jakarta sẽ mất đi nhiều nguồn doanh thu tiềm năng do các biện pháp hạn chế, một trong số đó là khả năng mất nguồn thu thuế trong khu vực.
Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ sụt giảm, đặc biệt là những ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn hay vui chơi giải trí. Trên thực tế, lĩnh vực này đóng góp khoảng 15% tổng thu thuế của thủ đô.
Dựa trên các phép tính đơn giản và kịch bản giả định dựa trên dữ liệu quý 2/2020, doanh thu ngành dịch vụ sụt giảm có thể khiến Jakarta mất nguồn thu thuế khoảng 3.000 tỷ rupiah.
Ông Yusuf cũng đánh giá các tổn thất kinh tế không chỉ xảy ra với thủ đô Jakarta mà còn gây ảnh hưởng trên toàn quốc. Nguyên nhân là do thủ đô Jakarta là một trong những địa phương đóng góp kinh tế nhiều nhất vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia (khoảng 15%-17%). Do đó, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế quốc gia sẽ duy trì ở mức âm trong quý 3/2020.
Trước tình trạng số người mắc COVID-19 tại thủ đô của Indonesia liên tục tăng cao dẫn đến nguy cơ hệ thống y tế quá tải, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định tái áp đặt các lệnh phong tỏa kể từ ngày 14/9 tới, giống như giai đoạn đầu của dịch bệnh./.