Thủ đô mới của Indonesia sẽ chôn vùi phong tục truyền thống địa phương?
Dù Nusantara được giới thiệu là 'thành phố xanh', nhưng người dân địa phương đang lo sợ thủ đô mới của Indonesia này có thể phá hủy những khu rừng xanh nơi họ sinh sống.
Tại buổi lễ động thổ xây dựng thủ đô mới của Indonesia vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng các Bộ trưởng nội các đã thực hiện nghi lễ trộn nước với đất lấy từ 34 tỉnh trên cả nước trong chum đồng mạ vàng để tương trưng cho sự thống nhất quốc gia.
Buổi lễ đã đánh dấu việc đặt nền móng của thủ đô mới trên đảo Borneo. Tuy nhiên, khi kế hoạch này đang được chính phủ đẩy mạnh thì người dân nơi đây lại lo ngại rằng thủ đô mới Nusantara có thể sẽ chôn vùi phong tục truyền thống địa phương lâu đời.
Jubain - thủ lĩnh truyền thống của cộng đồng Balik, cho rằng: “Chính phủ đang theo đuổi giấc mộng về một thủ đô mới mà không chú ý đến cộng đồng xung quanh. Điều này có thể khiến cho nền văn hóa của chúng tôi tại nơi đây bị xóa bỏ”.
Theo ông Jubain, văn hóa Balik hiện nay đã suy yếu và người dân địa phương đang nỗ lực để nó không biến mất. Quan ngại về xói mòn văn hóa bắt nguồn từ việc các nghi lễ chữa bệnh truyền thống của cộng đồng Balik đã bị tàn lụi do các công ty khai thác gỗ tiếp quản vùng đất tổ tiên và chặt phá khu rừng. Điều này khiến ít nhất 44 loại gỗ và thực vật cần cho nghi lễ chữa bệnh đã không còn.
Thủ đô mới Nusantara được xem là một biện pháp để giảm bớt gánh nặng cho thủ đô cũ Jakarta - thành phố 10 triệu dân đang dần chìm xuống sau nhiều năm khai thác quá tải nước ngầm.
Ước tính ban đầu sẽ có khoảng 1,5 triệu người đồng hành với chính phủ đến thủ đô mới. Điều đó cũng có nghĩa là người dân địa phương nơi đây có khả năng phải di dời.
Nếu điều này thực sự xảy ra, Jubain lo ngại rằng một hiệu ứng domino sẽ chôn vùi nền văn hóa địa phương và đẩy ngôn ngữ Balik tới bờ vực tuyệt chủng.
Ông chia sẻ: “Tình trạng của ngôn ngữ Balik đã trở nên vô cùng bấp bênh vì ngay cả người Balik bây giờ cũng sử dụng tiếng Bahasa Indonesia thay vì tiếng Bahasa Balik do ảnh hưởng từ bên ngoài”.
Tại ngôi làng Sepaku Lama, thủ lĩnh truyền thống Sibukdin cho biết: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận những vùng đất khác. Đất của chúng tôi là ở Kutai. Đất của hàng xóm sẽ không bao giờ là của chúng tôi. Đó là sự vi phạm luật tục".
Tuy nhiên, các già làng không phải là những người lo ngại duy nhất.
Yati Dahlia - một vũ công truyền thống Balik, người đã thành lập một studio cho cộng đồng Balik vào năm 2014, đang băn khoăn rằng việc xây dựng thủ đô mới ảnh hưởng như tới nền văn hóa mà bà đang nỗ lực không ngừng để duy trì.
Dahlia chia sẻ: “Studio có 15 vũ công và ba nhạc công chơi trống và cồng chiêng”. Với điều quan trọng là phải truyền lại được điệu múa và các bài hát truyền thống của Balik cho các thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ Balik kiếm sống từ rừng. Vì vậy, khi môi trường sống bị xáo trộn thì họ sẽ là đối tượng đầu tiên bị tổn thương.
Theo bà Dahlia, người dân nơi đây nếu không đi rừng thì vẫn có thể chăn nuôi và trồng trọt để kiếm sống. Tuy nhiên, nếu thủ đô mới hình thành và chỉ có những tòa nhà ở khắp nơi, thì họ sẽ làm trang trại ở đâu?
(theo Nikkei Asia)