Thủ đô Paris ngập tràn rác khi người lao động tiếp tục đình công

Trong khi kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang bước vào tuần quyết định cuối cùng, những người biểu tình trên khắp các ngành nghề tại Pháp tiếp tục gây áp lực lên chính phủ, đặc biệt là các công nhân dọn vệ sinh.

Thủ đô Paris ùn rác thải do người lao động, đặc biệt là các công nhân vệ sinh và thu gom rác, đình công phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của chính phủ. Ảnh: EPA

Thủ đô Paris ùn rác thải do người lao động, đặc biệt là các công nhân vệ sinh và thu gom rác, đình công phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của chính phủ. Ảnh: EPA

Tháng 1/2023 khi kế hoạch cải cách lần đầu được đưa ra, đã hơn 100 nhân vật của công chúng, bao gồm cả người đoạt giải Nobel văn học năm 2022 Annie Ernaux, ký một bản kiến nghị phản đối. Các nguyên nhân được đưa ra là dự luật này “đi ngược lại lịch sử tiến bộ xã hội” cũng như “đòi hỏi khắt khe từ những người phải làm các công việc khó khăn nhất”.

Theo hãng tin France24, các cuộc thăm dò cũng liên tục chỉ ra rằng hơn 2/3 người dân phản đối các kế hoạch của chính phủ, đặc biệt là 75% phụ nữ được hỏi phản đối dự luật của chính phủ trong một cuộc khảo sát gần đây của Elabe. Ngoài ra, các cuộc khảo sát cũng cho thấy đa số người Pháp bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đình công.

Tuy nhiên bất chấp sự phản đối, cải cách với trọng tâm nâng tuổi nghỉ hưu tối thiếu từ 62 lên 64 và thắt chặt các yêu cầu nhận lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đang bước vào giai đoạn cuối tại Quốc hội. Nếu ủy ban đồng ý, dự luật cải cách này sẽ được gửi lại cho Thượng viện Pháp để phê duyệt sáng ngày 16/3 tới và sau đó tiếp tục được gửi cho Quốc hội Pháp để bỏ phiếu lần cuối vào chiều cùng ngày.

Theo chính phủ Pháp, kế hoạch này là nhằm cân bằng tài chính trong bối cảnh nhân khẩu học của quốc gia thay đổi. Tuy nhiên, các công đoàn lại cho rằng các biện pháp được đề xuất bất công và chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực tới phụ nữ có sự nghiệp không được liền mạch cũng như những người lao động có tay nghề thấp bắt đầu đi làm từ sớm và phải làm các công việc vắt kiệt sức lực.

Người biểu tình tập trung tại Place d'Italie ở Paris nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ Pháp ngày 31/1/2023. Ảnh: Reuters

Người biểu tình tập trung tại Place d'Italie ở Paris nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ Pháp ngày 31/1/2023. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình nhằm thể hiện sự phản đối của công chúng đã diễn ra liên tục trong vòng 2 tháng và không hề có dấu hiệu suy giảm. Sự tham gia vào các cuộc đình công của công nhân vệ sinh trong một tuần gần đây – những người có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi dự luật được thông qua - đang khiến các thành phố trên khắp nước Pháp và cả thủ đô Paris ngập tràn trong rác.

Guardian cho biết tính tới 14/3, một tuần đình công của những công nhân thu gom rác đã dẫn tới khoảng 6.600 tấn rác chất đống khắp thủ đô, bao gồm cả phía trước Thượng viện. Phạm vi ảnh hưởng của việc này lan rộng không chỉ tới các con phố đông người qua lại mà còn cả những điểm thu hút khách du lịch.

Trong bối cảnh đó, các quan chức Paris và chính phủ liên tục đổ lỗi cho nhau. Ngày 12/3, Bộ trưởng du lịch Pháp Olivia Grégoire và Bộ trưởng các vấn đề châu Âu Clément Beaune chỉ trích chính quyền thành phố Paris trong khi Bộ trưởng Ngân sách Cơ sở Gabriel Attal cáo buộc Thị trưởng Paris Anne Hidalgo khuyến khích nhân viên thành phố đình công.

Ngược lại, các quan chức Paris lại đổ lỗi cho chính phủ. Trong một bài đăng trên trang Twitter chính thức của mình, Phó thị trưởng Paris Ian Brossat thể hiện thái độ của mình khi cho biết những người thu gom rác đã làm việc vất vả trong suốt đại dịch nhưng “chính phủ cảm ơn họ bằng 2 năm làm việc nữa”.

Các đống rác ùn ứ trước Tháp Eiffel. Ảnh: AP

Các đống rác ùn ứ trước Tháp Eiffel. Ảnh: AP

Bản thân các công nhân vệ sinh cũng bày tỏ thái độ phản đối sâu sắc dự luật nâng tuổi nghỉ hưu này. Theo ông Julien Devaux, đại diện 46 tuổi của công đoàn CGT và đồng thời là một công nhân xử lý nước thải tại lò đốt rác Ivry ở rìa phía đông Paris - một trong ba cơ sở xử lý hầu hết rác thải của thủ đô - ông không ngạc nhiên khi chính phủ “quay lưng lại” với những người lao động làm các công việc thiết yếu.

France24 trích dẫn lời ông Devaux cho biết công việc của các nhân viên vệ sinh là giữ cho Paris sạch sẽ và không ai muốn thành phố ngập tràn rác thải như hiện tại. Tuy nhiên, ông mong công chúng hiểu rằng “đây là công cụ duy nhất để các công nhân vệ sinh bảo vệ quyền lợi của mình”.

Trên thực tế, luật pháp hiện hành của Pháp cho phép những người thu gom rác nghỉ hưu ở tuổi 57 do tính chất đặc biệt khó khăn của công việc, trong khi công nhân xử lý nước thải có thể nghỉ việc ở tuổi 52. Tuy nhiên nếu kế hoạch cải cách của chính phủ được thông qua, công đoàn CGT cho biết người lao động ở cả 2 hạng mục này sẽ phải làm việc thêm 2 năm nữa.

Ông Devaux cho biết không một người lao động nào muốn triển vọng này xảy ra. Theo ông, việc dành trung bình 3 đến 4 giờ dưới cống rãnh như các công nhân này làm mỗi ngày cũng dài như làm việc 48 giờ suốt ngày đêm.

Các nghiên cứu của cơ quan giám sát sức khỏe IRNS cũng chỉ ra công nhân xử lý nước thải có nguy cơ tử vong trước 65 tuổi cao gấp đôi so với phần còn lại của dân số. Bản thân ông Devaux chia sẻ ông có nhiều đồng nghiệp bị suy nhược cơ thể khi bước sang tuổi 40 trong khi có một số ngã bệnh nặng hoặc qua đời ngay trước tuổi nghỉ hưu. Nếu cải cách được thông qua, ông cho biết “sẽ có ngày càng nhiều người không bao giờ được hưởng khoản lương hưu xứng đáng”.

Tính tới 14/3, có hơn 6.600 tấn rác chất đống khắp thủ đô nước Pháp. Ảnh: Getty Images

Tính tới 14/3, có hơn 6.600 tấn rác chất đống khắp thủ đô nước Pháp. Ảnh: Getty Images

Tuy lời đe dọa khiến toàn bộ nền kinh tế Pháp đóng băng của các công đoàn cho tới hiện tại không thành công, quy mô của sự phản đối đang khiến các bộ trưởng cũng như các nhà lập pháp gặp phải nhiều áp lực chồng chất. Ngày 15/3 – ngày mà cải cách lương hưu được đưa ra trước một ủy ban gồm 7 Thượng nghĩ sĩ và 7 nhà lập pháp Hạ viện – các công đoàn khắp nước Pháp tiếp tục lên kế hoạch cho một đợt biểu tình thứ 8.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne bày tỏ sự lạc quan rằng dự luật này “chắc chắn được thông qua trong những ngày tới”. Bà cho biết chính phủ kỳ vọng sẽ không phải dùng đến một lựa chọn hiến pháp đặc biệt, được gọi là “điều 49.3”, theo đó buộc cải cách lương hưu thông qua mà không cần bỏ phiếu. Tuy nhiên nếu thực hiện động thái này, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà các đảng đối lập muốn ủng hộ sẽ xảy ra.

Các công nhân vệ sinh cho biết đây là cách duy nhất để họ đòi quyền lợi. Ảnh: Le Pictorium Agency/Zuma Press

Các công nhân vệ sinh cho biết đây là cách duy nhất để họ đòi quyền lợi. Ảnh: Le Pictorium Agency/Zuma Press

Người dân Paris lo ngại rác thải chất đống có thể gây ra các dịch bệnh liên quan tới chuột. Ảnh: Getty Images

Người dân Paris lo ngại rác thải chất đống có thể gây ra các dịch bệnh liên quan tới chuột. Ảnh: Getty Images

Một nửa các quận của Paris bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của những người thu gom rác. Ảnh: AFP

Một nửa các quận của Paris bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của những người thu gom rác. Ảnh: AFP

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-do-paris-ngap-tran-rac-khi-nguoi-lao-dong-tiep-tuc-dinh-cong-post19023.html