Thủ đô qua góc nhìn bạn bè quốc tế

Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính và ẩm thực phong phú, Hà Nội còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều bạn bè quốc tế nhờ sự hiếu khách và lòng nhân hậu.

Thành phố Hà Nội không chỉ là một điểm đến du lịch nổi tiếng với cảnh quan độc đáo và di sản văn hóa phong phú, mà còn là nơi định cư lâu dài của nhiều người nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cơ hội trò chuyện cùng ba vị khách quốc tế, những người đã chọn Hà Nội làm quê hương thứ hai sau nhiều năm trải nghiệm. Họ đã chia sẻ về những hành trình, lý do và cảm xúc dẫn đến quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất nghìn năm văn hiến này.

Khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thái Sơn

Khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thái Sơn

Chị Lydia, 29 tuổi, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn Hà Nội làm nơi sinh sống. Sinh ra trong gia đình người Trung Quốc và lớn lên tại Mỹ, Lydia chưa từng có ý định rời xa cha mẹ. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi chị gặp chồng mình, một du học sinh Việt Nam, trong thời gian học đại học tại Mỹ. Năm 2020, chồng chị Lydia trở về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp và Lydia quyết định theo chân anh. Hiện, cả hai đã kết hôn được hai năm và đang sinh sống tại quận Long Biên, Hà Nội.

Chia sẻ về cuộc sống ở Hà Nội, chị Lydia cho rằng, thành phố này "đậm chất cộng đồng". Giữa sự ồn ào, tấp nập của giao thông đô thị, chị cảm nhận được sự quan tâm mà mọi người dành cho nhau, kể cả với những người chưa quen biết. "Mặc dù tôi không biết ai, nhưng vẫn có cảm giác rằng mình thuộc về nơi này" - chị Lydia nói.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Lydia tại Hà Nội xảy ra là khi chị bị bong gân và cần nạng chống chân. Một người lao công, sau khi biết chuyện đã nhờ bạn mình mang nạng đến tận nhà giúp chị. "Khi chồng tôi hỏi giá của chiếc nạng, người đó nói tôi có thể giữ lại và tặng cho người khác cần. Sau đó, tôi cũng đã làm tương tự bằng cách tặng nạng của mình cho người khác" - chị Lydia chia sẻ.

Một trong những điều Lydia yêu thích nhất ở Việt Nam là tinh thần tương trợ lẫn nhau, điều mà chị không thường thấy ở Mỹ. Chị kể về mối quan hệ thân thiện với hai người bảo vệ tại nơi làm việc làm ví dụ: "Mỗi lần thấy tôi, họ đều giúp tôi đẩy xe, mặc dù không ai nói được tiếng Anh và tôi không nói được tiếng Việt, nhưng giữa chúng tôi có sự tôn trọng lẫn nhau".

Giống nhiều người nước ngoài khác, Lydia cảm thấy xúc động trước hoàn cảnh của người dân sau cơn bão số 3, nhưng rào cản ngôn ngữ và công việc khiến chị chưa thể tham gia các hoạt động từ thiện dù rất mong muốn. "Tôi nghĩ cộng đồng người nước ngoài và người Việt vẫn còn cách biệt, một phần do ngôn ngữ. Người Hà Nội rất tốt bụng. Nếu bạn trở thành bạn với họ, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy nhiều người nước ngoài bỏ lỡ những trải nghiệm quý giá này", Lydia chia sẻ thêm.

Chị Lydia cùng chồng tại khu du lịch Grand World Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Lydia cùng chồng tại khu du lịch Grand World Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, việc hòa nhập với văn hóa Việt Nam không phải là điều dễ dàng đối với một số người nước ngoài như chị Winnie - một giáo viên dạy tiếng Anh người Nam Phi. Mặc dù đã sinh sống tại Hà Nội được 7 năm, chị phải mất đến 4 năm để làm quen với "văn hóa giao thông" nơi đây. Xuất thân từ một quốc gia mà phương tiện di chuyển chính là ô tô, xe buýt và tàu hỏa, việc thích nghi với cảnh xe máy đông đúc trên đường phố Hà Nội là một cú sốc văn hóa lớn đối với chị.

Không chỉ gặp khó khăn về giao thông, chị Winnie còn mất đến 3 năm để thích nghi với ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào những người bạn Việt Nam, đặc biệt là hai người bạn cùng phòng đam mê nấu nướng, chị dần quen hơn với các món ăn và phong tục tập quán địa phương.

Sau 7 năm sinh sống tại Hà Nội, chị Winnie nhận thấy người dân thành phố ngày càng cởi mở hơn, đặc biệt là đối với những người da màu như chị. Chị nói: “8 tháng sau khi tới Hà Nội, tôi mới có thể kiếm được một công việc dạy học ổn định, mặc dù tôi có bằng cấp đầy đủ. Điều này một phần là do các nhà tuyển dụng hay thiên vị những người da trắng, có nguồn gốc từ các nước châu Âu, châu Mỹ để sau này con có thể dễ dàng sinh sống tại các quốc gia đó. May mắn thay, giờ đây tôi cảm thấy phụ huynh Việt Nam đã cởi mở hơn và đã bắt đầu nuôi dạy trong con sự tự hào về bản sắc dân tộc.”

Về việc giáo dục trẻ em tại Hà Nội, chị Winnie cảm nhận không có nhiều khác biệt so với quê hương Nam Phi của chị. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở sự tôn trọng mà trẻ em Việt Nam dành cho giáo viên. Chị bày tỏ sự xúc động khi nhận được nhiều món quà và thiệp viết tay với dòng chữ “I love teacher” từ học sinh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam - điều mà chị chưa từng thấy tại quê nhà Nam Phi.

Trái ngược với chị Winnie, anh Arpad, 37 tuổi, người Hungary, lại cảm thấy dễ dàng thích nghi khi đến Hà Nội từ 10 năm trước. Anh không mất nhiều thời gian để hòa nhập vào cuộc sống nơi đây. Đối với anh, Hà Nội mang lại cơ hội trải nghiệm một cuộc sống mới, thoát khỏi những công việc "nhàm chán" mà anh từng làm ở quê nhà.

Anh Arpad chia sẻ: “Hà Nội thực sự rất phù hợp với tôi và hoàn toàn khác biệt so với những thành phố khác mà tôi từng đến. Tôi vô cùng yêu thích cách mà cuộc sống hiện đại ở nơi đây hòa quyện với những nét cổ kính xưa cũ. Nhưng Hà Nội cũng là một thành phố thay đổi chóng mặt. Tôi vẫn nhớ khi mới đến, con đường Âu Cơ còn lầy lội bùn đất, nhưng giờ đây, nó đã trở nên rộng rãi, thoáng đãng. Ở Hungary, một dự án như vậy phải mất từ 5 - 10 năm để hoàn thành”.

Anh Arpad cũng đặc biệt ngưỡng mộ tinh thần tương thân, tương ái của người dân Hà Nội, điều mà anh chứng kiến rõ ràng sau cơn bão số 3 vừa qua. "Tôi còn nhớ đoạn video về đoàn xe ô tô che chắn người đi xe máy trong cơn bão và nghĩ rằng: Điều này sẽ không bao giờ xảy ra ở nơi tôi sống. Người dân ở đây thật sự quan tâm lẫn nhau, bất chấp sự khác biệt về địa vị hay lối sống. Trong những lúc khó khăn, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau, đó là một điều rất mạnh mẽ".

Trong lúc Arpad gặp khó khăn, chính những người dân Hà Nội đã dang tay giúp đỡ anh. Anh chia sẻ: "Có lần tôi đi ra ngoài nhưng quên mang ví và điện thoại, trong lúc đấy, xe tôi lại bị hết xăng. Thế nhưng, chỉ trong vòng một phút, đã có 3 người lạ dừng lại hỏi thăm và người thứ ba thậm chí còn đẩy xe giúp tôi đến trạm xăng gần nhất và trả tiền xăng cho tôi. Hôm sau, anh ấy mời tôi đi uống bia và chúng tôi đã trở thành bạn thân trong suốt bảy năm qua. Dù hiện tại anh ấy đang ở Hàn Quốc, nhưng khi trở về, chúng tôi chắc chắn sẽ lại cùng nhau uống bia như những ngày trước".

An Chi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-do-qua-goc-nhin-ban-be-quoc-te-351401.html