Thủ đô Seoul, Hàn Quốc với cuộc chiến chống ngập lụt

Chính quyền thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tuyên bố sẽ di dời những gia đình đang sống ở banjiha (nhà bán hầm), sau vụ việc 13 người thiệt mạng trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến thăm nhà bán hầm bị ngập lụt ở quận Gwanak của Seoul, nơi một gia đình thiệt mạng vì lũ lụt, ngày 10/8. (Nguồn: CNN)

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến thăm nhà bán hầm bị ngập lụt ở quận Gwanak của Seoul, nơi một gia đình thiệt mạng vì lũ lụt, ngày 10/8. (Nguồn: CNN)

Những cái chết của người dân bị mắc kẹt ở nhà bán hầm trong thảm họa mưa lụt lớn nhất trong hơn 100 năm tại Seoul đã gióng lên những hồi chuông báo động.

Thảm họa từ banjiha

Trong trận lũ lụt lịch sử hôm 8/8, gia đình ba người (gồm một phụ nữ 40 tuổi mắc hội chứng Down, chị gái và con gái 13 tuổi của người chị gái ) ở quận Gwanak phía Nam Seoul đã chết do áp lực nước khiến họ không mở được cửa căn hộ.

Sự việc trên khiến công chúng Hàn Quốc phải lên tiếng, thúc đẩy Seoul nhanh chóng chấm dứt tình trạng người dân sống trong các nhà bán hầm tồi tàn - nổi tiếng trong bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) đoạt giải Oscar năm 2019.

Trận mưa hôm đó, với lượng nước cao kỷ lục trong vòng 100 năm qua tại Seoul, gây lũ lụt nghiêm trọng ở các vùng trũng phía Nam sông Hàn, cuốn trôi nhiều ô tô và buộc hàng trăm người phải sơ tán.

Trong thị trường nhà ở đắt đỏ của Seoul, nhà bán hầm là một trong những lựa chọn hợp lý nhất cho những người trẻ tuổi và người có thu nhập thấp. Đó là căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, dễ bị nấm mốc trong mùa Hè. Nổi tiếng sau bộ phim Ký sinh trùng, nhà bán hầm trở thành đại diện cho sự bất bình đẳng ở một trong những thành phố giàu có nhất thế giới.

Những năm qua, ngày càng có nhiều những lời kêu gọi chính phủ cung cấp nhà ở với giá cả phải chăng hơn, cải thiện đời sống ở các căn bán hầm hoặc thậm chí, loại bỏ hoàn toàn các kiểu nhà này. Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cam kết xử lý vấn đề này sau làn sóng phản đối của công chúng.

“Trong tương lai, tại Seoul, các nhà hầm và bán hầm sẽ không được phép sử dụng cho mục đích ở”, chính quyền Seoul cho biết trong một tuyên bố, ngày 10/8.

Tuy nhiên, việc thực hiện lời hứa của chính phủ liệu có dễ dàng khi bên ngoài bức tường ở tầng hầm còn tồn tại rất nhiều các vấn đề lớn khác như chi phí sinh hoạt tăng vọt buộc những người dễ bị tổn thương nhất phải tìm chỗ trú ẩn trong những ngôi nhà không đảm bảo.

Bùng nổ nhà bán hầm

Ông Choi Eun-yeong, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu thành phố và môi trường Hàn Quốc cho biết, năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải xây tầng hầm trong các dự án xây dựng để làm nơi tránh không kích, trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên gia tăng.

Khi Seoul ngày càng hiện đại hóa, người nhập cư từ các vùng nông thôn ngày càng nhiều, thành phố trở nên chật chội, buộc chính phủ phải cho phép người dân sử dụng các nhà bán hầm để ở, mặc dù chúng không được xây dựng phục vụ cho mục đích để ở, mà vốn dĩ là nơi trú ẩn trước các cuộc không kích, hoặc để làm nhà kho.

Banjiha từ lâu đã bộc lộ các vấn đề như hệ thống thông gió và thoát nước kém, rò rỉ nước, thiếu lối thoát, sự xâm nhập của côn trùng và vi khuẩn. Nhưng chi phí cho loại căn hộ này lại có sức hấp dẫn đối với một bộ phận cư dân ở Seoul, đặc biệt khi những người trẻ đang phải đối mặt với mức lương thấp, giá thuê tăng và thị trường việc làm bão hòa.

Giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng hơn gấp đôi trong năm năm qua, đạt 1,26 tỷ won (963.000 USD) vào tháng Giêng năm nay.

Sau trận lũ lụt nghiêm trọng vào năm 2011 và 2012 khiến hàng chục người chết dấy lên những lo ngại về độ an toàn của các nhà bán hầm. Năm 2012, chính phủ đã thực hiện luật mới cấm banjiha ở “các khu vực thường xuyên bị ngập lụt”.

Nhưng dường như những nỗ lực đó đã bị phớt lờ, khi từ đó đến nay có khoảng 40.000 banjiha xây mới.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, tính đến năm 2020, hơn 200.000 căn bán hầm vẫn tồn tại ở trung tâm thành phố.

Sự thất bại trong cải thiện nhà ở, cùng việc cắt giảm hơn 15% ngân sách hàng năm cho kiểm soát lũ lụt và quản lý nguồn nước, xuống còn 17,6 tỷ won (13,5 triệu USD) đã khiến chính quyền Seoul bị chỉ trích mạnh mẽ.

Cần giải pháp đồng bộ

Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều nên các đô thị thường xuyên phải đối mặt tình trạng ngập lụt sau mưa.

Tại TP. HCM, sau dự án nâng cốt nền tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Tân Bình) năm 2016, rất nhiều nền nhà của các hộ dân thấp hơn mặt đường 1-1,2m. Nhà biến thành “hầm” gây nóng bức về mùa Hè và thành “bể chứa nước” mỗi khi trời mưa.

Tại Hà Nội, các khu đô thị mở rộng thuộc chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 có cao độ cao hơn nhiều so với khu dân cư lân cận, gây ngập úng trong khu dân cư mỗi khi mưa lớn.

Tuyến đường cao tốc Láng-Hòa Lạc-Đại lộ Thăng Long sau khi hoàn thành có mặt đường cao hơn cốt nền các khu đô thị hai bên đường từ 1,2-1,5m, dẫn tới thay đổi hướng dốc thoát nước và lưu vực thoát nước. Hiện tại, tình hình ngập úng cục bộ tại các khu đô thị này diễn ra rất phức tạp.

Ngập lụt đô thị do tác động của nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, đang là vấn đề nan giải. Giải quyết vấn đề cần có những giải pháp đồng bộ.

Thực tế, hiện chưa có giải pháp chống ngập 100% cho các đô thị. Thay vì chỉ tập trung tìm cách giảm mức độ ngập lụt, khả thi hơn là tìm cách để làm sao ít thiệt hại nhất khi bị ngập. Đây là vấn đề có tính liên ngành, trong đó quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đóng vai trò trung tâm.

Theo các nhà quản lý môi trường đô thị Việt Nam, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong các đồ án quy hoạch đô thị. Nghiêm cấm san lấp hồ, ao, kênh, rạch; xử phạt nghiêm xả rác, xây dựng trái phép, lấn chiếm kênh rạch và các công trình thoát nước.

(tổng hợp)

TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-do-seoul-han-quoc-voi-cuoc-chien-chong-ngap-lut-194835.html