Thủ đoạn cũ - Tại sao vẫn có nạn nhân mới? (Bài cuối)

Không chỉ ở vụ việc liên quan đến Công ty NTea, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc người dân đổ tiền đầu tư hàng trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng vào các công ty ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như tài chính, bất động sản… nhưng sau một thời gian bị rơi vào cảnh 'ngồi trên đống lửa' vì không nhận được cả gốc lẫn lãi.

Họ khiếu nại, tố cáo khắp nơi; xấu hổ với gia đình, bạn bè... Đã có nhiều bài học cảnh báo về việc đầu tư góp vốn kinh doanh bằng… niềm tin nhưng dường như những nạn nhân mới vẫn liên tục xuất hiện.

“Mật ngọt” lãi suất

Một điều rất dễ nhận ra ở hầu hết các vụ việc liên quan đến hợp tác kinh doanh là để “dụ” khách hàng, cùng với việc đưa ra “mật ngọt” lãi suất “khủng”, các công ty thường quảng bá hình ảnh kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao, tài sản đảm bảo lớn.

Người dân gửi đơn tố cáo hoạt động hợp tác kinh doanh với Công ty NTea.

Người dân gửi đơn tố cáo hoạt động hợp tác kinh doanh với Công ty NTea.

“Mờ mắt” vì lợi nhuận cao, bị “thôi miên” vì những lời quảng cáo, khách hàng rút sạch hầu bao, thậm chí huy động anh em, bạn bè cùng tham gia. Sau thời gian ban đầu được trả lợi nhuận đầy đủ, các công ty sẽ trì hoãn việc chi trả và “giữ” luôn cả vốn của nhà đầu tư với vô vàn lý do như tình hình kinh doanh khó khăn, đang cần vốn mở rộng hoạt động kinh doanh...

Gần đây nhất có thể kể đến vụ việc một công ty bất động sản có trụ sở ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang bị khách hàng tố cáo không thực hiện cam kết theo hợp đồng hợp tác kinh doanh và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm khi số lượng nạn nhân đã lên đến con số hàng nghìn người.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, thời gian đầu, để tạo lòng tin, công ty này thường xuyên cung cấp cho khách hàng hình ảnh làm ăn phát đạt với hàng loạt tài sản đảm bảo như chuỗi nhà hàng, karaoke, công ty tài chính, resort cùng nhiều bất động sản trải dài khắp đất nước, chiến lược triển khai những chiến lược kinh doanh độc nhất thậm chí là “khát vọng” vươn tầm “top” 5 doanh nghiệp tiêu biểu về giao dịch trong thị trường bất động sản…

Mặc dù hợp đồng hợp tác kinh doanh có những điều khoản như cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ thương lượng, hòa giải, giải quyết dân sự tại cơ quan giải quyết tranh chấp, yêu cầu bảo mật thông tin… nhưng với lòng tin rất lớn vào uy tín của công ty cũng như lợi nhuận, lãi tức “khủng” mà công ty này đưa ra lên đến lên đến 144% chỉ trong thời gian 24 tháng nên các nhà đầu tư vẫn “ùn ùn” đổ vốn.

Theo một số người tham gia góp vốn, thời gian đầu, họ đều đặn nhận được số tiền lãi kèm một phần tiền gốc đúng như cam kết, nên rất tin tưởng kêu gọi thêm anh em, bạn bè gom tiền. Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng giữa năm 2022, thay vì nhận tiền hoa hồng và một phần tiền gốc theo cam kết, hằng tháng khách hàng lại chỉ nhận được thông báo về việc điều chỉnh tỉ lệ và thời gian phân chia lợi nhuận, khiến ai cũng như ngồi trên đống lửa.

Sau nhiều lần “mong khách hàng thông cảm và ủng hộ” trì hoãn việc trả lợi nhuận với đủ các lý do kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, do ngân hàng siết chặt cho vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản… khách hàng bất ngờ nhận được thông báo từ công ty về việc thu hồi hợp đồng gốc để chuyển sang tư cách pháp nhân mới. Quá bức xúc và lo lắng về số tiền đầu tư sẽ “một đi không trở lại”, nhiều người đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Trở lại vụ việc của Công ty NTea, theo luật sư Lê Văn Quý, Công ty Luật TNHH Lê Gia Việt, Hà Nội, liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh của một số người dân góp vốn với Công ty NTea mà người dân cung cấp, khi đối chiếu hợp đồng này với các quy định hiện hành của Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì hợp đồng hợp tác kinh doanh này là văn bản thỏa thuận dựa trên sự tự nguyện giữa các bên có đầy đủ năng lực.

Luật sư Lê Văn Quý

Luật sư Lê Văn Quý

Nội dung hợp tác các bên thỏa thuận trong hợp đồng chưa thấy dấu hiệu vi phạm điều cấm của luật. Tuy nhiên, trên thực tế, luật sư Lê Văn Quý cũng cho rằng khó có dự án hay hoạt động sản xuất, kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cao như thế.

Luật sư Lê Văn Quý phân tích, trường hợp người dân đã góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh (COVID-19), thiên tai (lũ lụt)… khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ (nếu có), tại Điều 14 hợp đồng các bên đã thỏa thuận nội dung này. Đồng thời, tại Điều 6 hợp đồng các bên đã thỏa thuận trường hợp có rủi ro, thua lỗ Công ty NTea có trách nhiệm gánh chịu mà không yêu cầu bên hợp tác kinh doanh phải chịu các khoản này.

Đối chiếu thỏa thuận bất khả kháng mà các bên đã thỏa thuận với quy định hiện hành thì nếu trường hợp bất khả kháng xảy ra, bên có nghĩa vụ- Công ty NTea được quyền trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (trả lãi, hoàn gốc theo thỏa thuận) trong thời gian sự kiện bất khả kháng xảy ra và khi kết thúc sự kiện bất khả kháng, bên có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ (trả lãi, hoàn tiền khi đến hạn) mà không được loại trừ bất kỳ nghĩa vụ nào.

Nếu hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở việc phía Công ty NTea gặp khó khăn thực sự chưa có khả năng thanh toán lãi hay hoàn tiền thì giao dịch này chủ yếu chỉ dừng lại ở dân sự. Tuy nhiên, nếu xác định được ý chí ngay từ đầu của Công ty NTea có ý định chiếm đoạt tiền từ người góp vốn kinh doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ là yếu tố nhằm tạo lòng tin từ các nhà đầu tư hoặc sau đó sử dụng tiền sai mục đích thỏa thuận, cố tình trốn tránh bằng các cách thức khác nhau nhằm thoái thác trách nhiệm thì dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã có tùy từng tình huống cụ thể.

Để xác định hành vi vi phạm này có dấu hiệu hình sự hay không rất cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trước thực trạng thời gian gần đây xảy ra không ít vụ việc người dân khốn khổ, lao đao vì trót tin tưởng góp vốn đầu tư vào các công ty để rồi nhận “trái đắng”, theo luật sư Lê Văn Quý, thực tế, dù là dân sự hay hình sự thì trong những vụ việc như thế này, người góp tiền hợp tác vẫn là người chịu thiệt thòi.

Do đó, khi có ý định tham gia giao dịch nào hãy là nhà đầu tư thông thái bằng cách kiểm chứng thông tin đối tác đưa ra trước khi quyết định đầu tư và thực hiện quyền giám sát quá trình thực hiện hợp đồng của bên nhận góp vốn để tránh những rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, điều cần lưu ý là ngay từ đầu trước khi đặt bút ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, người dân tham khảo ý kiến tư vấn pháp lý của các đơn vị pháp lý.

N.Hương - P.Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/thu-doan-cu-tai-sao-van-co-nan-nhan-moi-bai-cuoi--i696843/