Thủ đoạn của nhóm bán online thực phẩm chức năng giả

Kiện hàng chỉ ghi tên người nhận mà không có người gửi, qua đơn vị trung gian vận chuyển là công ty chuyển phát, các nghi phạm còn tự gắn mác công ty để kinh doanh online.

Ngày 14/6, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Văn Hữu (SN 1997) và Trương Thị Thảo (SN 1998, cùng trú tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang) về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự.

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, cho biết đầu tháng 5, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, đội cảnh sát kinh tế phát hiện nguồn tin về một số nhóm có biểu hiện vận chuyển các loại thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe giả mạo một số thương hiệu được bảo hộ từ một số địa bàn lân cận đưa về tiêu thụ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Các nghi phạm không trực tiếp giao hàng mà gửi hàng qua các shipper chuyển đến tay người mua. Trên kiện hàng gửi không có thông tin người gửi, chỉ có số điện thoại liên hệ để trốn tránh cơ quan chức năng phát hiện.

 Lê Văn Hữu và Trương Thị Thảo.

Lê Văn Hữu và Trương Thị Thảo.

Việc trao đổi thông tin, giao dịch mua bán được thực hiện qua các hội nhóm kín trên Facebook. Phát hiện thủ đoạn tinh vi như trên của các nghi phạm, đội cảnh sát kinh tế nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ được vị trí, thông tin lai lịch của 2 người cầm đầu tại địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội, báo cáo Ban chỉ huy công an quận xác lập chuyên án để đấu tranh.

Trong ngày 6/6, xác định đồng thời cả các đầu mối đều phát sinh giao dịch trao đổi hàng hóa, Đội cảnh sát kinh tế đã báo cáo ban chỉ huy công an quận đồng loạt triển khai 2 mũi trinh sát tổ chức bắt giữ các nghi phạm chủ mưu cầm đầu và các nghi phạm là người vận chuyển, người liên quan.

Tại thời điểm trên, tổ công tác của Đội cảnh sát kinh tế trinh sát tại khu vực Goldmark City, phường Phúc Diễn, phát hiện, kiểm tra nam thanh niên điều khiển xe máy chở thùng carton bên trong có 30 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY.

Nam thanh niên khai là nhân viên giao hàng, nhận giao thùng hàng từ tòa nhà Time coffee, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Xác minh nhanh tại Công ty TNHH Supharmco (Công ty chịu trách nhiệm về chất lượng) xác định số hàng trên là hàng giả. Đội cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Đội quản lý thị trường số 24 huyện Hoài Đức, Cục QLTT Hà Nội, kiểm tra tầng 4 tòa nhà Time Coffee thu giữ hàng trăm hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu LADY; Vinslim V3; Collagen Firming Sleeping Mark không có hóa đơn chứng từ.

Quá trình điều tra xác định khoảng đầu năm 2022, Lê Văn Hữu thuê địa điểm này làm văn phòng lấy tên công ty VDGgrup để kinh doanh đồ gia dụng và thực phẩm chức năng. Công ty do Hữu tự nghĩ ra không có đăng ký kinh doanh. Sau đó, Lê Văn Hữu thuê Trương Thị Thảo làm quản lý và nhiều người vào các vị trí khác nhau.

 Lực lượng liên ngành kiểm đếm hàng hóa.

Lực lượng liên ngành kiểm đếm hàng hóa.

Sau đó, Hữu đặt mua các sản phẩm gồm thực phẩm chức năng LADY, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Collagen Firming Sleeping Mark về bán lại. Hữu phân công Trương Thị Thảo là người nhận hàng kiểm tra hàng, xuất bán và báo cáo lại cho Hữu.

Toàn bộ số hàng hóa này, Hữu đều mua trôi nổi trên mạng xã hội, không có hóa đơn chứng từ. Trong quá trình bán hàng, khách hàng phản hồi là hàng giả vì viên sủi Hữu bán có màu nhạt hơn màu thật.

Hữu có hỏi người bán, thì họ nói để ngoài trời 5 phút là chuyển màu sẫm như hàng thật. Hữu có nói cho Thảo biết và có thử nhưng viên sủi không đổi màu. Qua đó, Hữu và Thảo biết là hàng giả, nhưng vì hám lợi nên vẫn tiếp tục bán. Ngày 1/6, Hữu đặt mua 200 hộp thực phẩm chức năng LADY giao về tòa nhà Time Coffee. Thảo đã xuất bán 100 hộp với giá 20 triệu đồng.

Khoảng 9h30 ngày 6/6, Thảo đặt ứng dụng giao hàng giao đến khu vực cổng chào khu đô thị Gold Mark City phường Phú Diễn, thì bị phát hiện như nêu trên.

“Các nghi phạm đã rất tinh vi khi thuê căn hộ tầng 4 của tòa nhà Time Coffee, bởi tại đây khi di chuyển thang máy được kiểm soát bằng dấu vân tay, không cho người lạ vào mà chỉ có người của Hữu và Thảo kiểm soát.

Khi giao nhận hàng, Thảo xuống sảnh nhà nhận không cho người mang lên và quản lý điều hành nhân viên bán hàng livestream. Các lần giao dịch qua mạng xã hội, bọn chúng xóa dữ liệu, còn Hữu thuê riêng một phòng ở chung cư đối diện để điều hành và quan sát”, chỉ huy Đội CSKT Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết.

Đại diện công ty TNHH Supharmco xác định số hàng hóa cơ quan công an tạm giữ không phải là sản phẩm của công ty. Kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự công an thành phố cũng khẳng định đây là hàng giả.

Trường Văn/An Ninh Thủ Đô

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/thu-doan-cua-nhom-ban-online-thuc-pham-chuc-nang-gia-post1441123.html