Thủ đoạn rửa nguồn cát lậu ở vùng biển Cần Giờ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, lợi dụng vùng biển Cần Giờ là cửa ngõ giao thông thủy, các đối tượng khai thác cát trái phép thường cấu kết với các chủ phương tiện vận chuyển, chủ kinh doanh cát, sử dụng hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long để hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác trái phép ở Cần Giờ.

Như Người Đô Thị đã đưa tin, UBND TP.HCM ngày 28.7 có văn bản chỉ đạo xử lý tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ. Trong các nội dung chỉ đạo, UBND TP.HCM giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM chủ trì, phối họp Cục Cảnh sát hình sự (C02) và Công an TP.HCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh giáp ranh lập chuyên án triệt phá các tổ chức, cá nhân, băng nhóm khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Các sà lan đang khai thác cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: CTV

Các sà lan đang khai thác cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: CTV

Liên quan đến chỉ đạo trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trước đó đã có văn bản tổng hợp báo cáo gửi UBND TP.HCM, cho biết đã tiến hành thu thập thông tin tình hình cấp phép khai thác các mỏ cát, thông tin các dự án nạo vét tuyến luồng kết hợp tận thu của các tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang.

Qua đó, tổng hợp và cung cấp cho các lực lượng chức năng để phục vụ công tác xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Sở cũng đã cung cấp thông tin về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn TP.HCM để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có kế hoạch tổ chức đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 11 trường hợp, trong đó 5 trường hợp khai thác cát trái phép và 6 trường hợp vận chuyển cát không có nguồn gốc. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 269.050.000 đồng, tịch thu 5.370 m3 cát.

Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM đã phối hợp với Đoàn đặc nhiệm Miền Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tiền Giang, kiểm tra bắt giữ 7 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, trong đó bàn giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý 5 phương tiện, bàn giao TP.HCM xử lý 2 phương tiện.

Các sà lan đang hút cát trái phép ở vùng biển Cần Giờ bị bắt giữ. Ảnh: CTV

Các sà lan đang hút cát trái phép ở vùng biển Cần Giờ bị bắt giữ. Ảnh: CTV

Từ thực tế công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn TP.HCM thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy vùng biển Cần Giờ là cửa ngõ giao thông thủy, các phương tiện vận chuyển cát xây dựng, cát san lấp từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ các dự án thuộc địa bàn TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An hầu hết đều đi qua khu vực biển Cần Giờ.

Lợi dụng tình trạng này, kết hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên phức tạp của khu vực, các đối tượng khai thác cát trái phép thường cấu kết với các chủ phương tiện vận chuyển, chủ kinh doanh cát, sử dụng hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác trái phép. Với hình thức sang mạn trực tiếp trên biển, lực lượng chức năng rất khó để xác lập và áp dụng xử lý các đối tượng về hành vi khai thác cát trái phép.

Ngoài ra, vùng biển Cần Giờ thường có sóng to gió lớn, đòi hỏi lực lượng chức năng phải có phương tiện lớn mà hiện chỉ có lực lượng biên phòng thành phố được trang bị, nhưng số lượng cũng hạn chế, thời gian di chuyển từ nơi neo đậu phương tiện đến nơi các đối tượng khai thác trái phép thường trên 1 giờ, nên các đối tượng khai thác cát trái phép có đủ thời gian di chuyển phương tiện sang địa phương khác, gây khó khăn cho việc truy bắt.

Lực lượng Bộ đội biên phòng kiểm tra một sà lan khai thác cát ở vùng biển Cần Giờ. Ảnh: CTV

Lực lượng Bộ đội biên phòng kiểm tra một sà lan khai thác cát ở vùng biển Cần Giờ. Ảnh: CTV

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ được giao của UBND TP.HCM tại Quyết định số 2368 ngày 3.6.2019 về ban hành Đề án phòng, chống khai thác trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh các tỉnh, thì Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM và Công an TP.HCM là 2 đơn vị được giao chủ trì tổ chức xây dựng, triển khai các phương án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM đã chủ trì, ký kết kế hoạch số 1693 ngày 26.11.2019 với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tiền Giang phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành và tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND huyện Cần Giờ triển khai kế hoạch số 543 ngày 13.4.2020 về đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng TP.HCM.

Phạm Hải

Kiểm tra nguồn gốc cát của dự án quy mô từ 50.000 m3 trở lên

Tại văn bản chỉ đạo xử lý tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ ngày 28.7, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM theo nhiệm vụ được giao trong đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh, chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra nguồn gốc và nhà thầu cung cấp cát san lấp cho các dự án có quy mô lớn (trước mắt thực hiện đổi với các dự án có quy mô sử dụng từ 50.000 m3 trở lên), xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các nhà thầu cung cấp và chủ đầu tư dự án có sử dụng cát san lấp không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Công an TP.HCM, UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng dọc trên các tuyến sông, các phương tiện thủy tham gia vận chuyến cát; theo thẩm quyền hoặc kiến nghị UBND TP.HCM giao cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các đổi tượng vận chuyến, kinh doanh cát không có nguồn gốc hợp pháp.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng TP.HCM, Công an TP.HCM tiến hành làm việc với UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, thống kê thông tin tất cả các mỏ cát xây dựng, mỏ cát san lấp, trữ lượng được phép khai thác... làm cơ sở truy xuất nguồn gốc, nhằm phục vụ công tác xử lý hành vi hợp pháp hóa đơn, chứng từ của đối tượng kinh doanh, vận chuyển và sử dụng cát từ nguồn gốc khai thác trái phép…

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thu-doan-rua-nguon-cat-lau-o-vung-bien-can-gio-24697.html