Thủ đoạn thâu tóm Dự án Đại Ninh
Biết Dự án Đại Ninh bị kiến nghị thu hồi, Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Capella đã lợi dụng các mối quan hệ, dùng tiền và lợi ích vật chất để tác động tới những người có chức vụ, quyền hạn để 'hồi sinh' và thâu tóm dự án này.
Dự án có nhiều vi phạm, bị kiến nghị thu hồi
Theo hồ sơ vụ án, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) được thành lập vào tháng 1/2010, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.
Cuối năm 2010, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm; diện tích quy hoạch là 3.595,45 ha, trong đó, đất rừng chiếm 1.306,44 ha; đất ngoài lâm nghiệp 329,14 ha; lòng hồ 1.959,87 ha.
Đây cũng là dự án duy nhất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, song sau khi được giao đất, giao rừng để thực hiện Dự án, chủ đầu tư đã để chậm tiến độ; đồng thời hơn 368 ha rừng bị phá và lấn chiếm.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần đôn đốc, xử lý tình trạng vi phạm diễn ra tại dự án này trong nhiều năm, song chưa được giải quyết triệt để.
Trong quá trình điều tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 929, trong đó xác định chủ đầu tư đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp tiền sử dụng đất và tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng; để người dân tái lấn chiếm đất; vi phạm trật tự xây dựng; không đúng tiến độ…
Theo quy định, những vi phạm này thuộc các trường hợp phải thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án, nên Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện các thủ tục thu hồi.
Quá trình thực hiện kết luận sau thanh tra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra kế hoạch thu hồi đất, giao cơ quan tham mưu chấm dứt hoạt động của Dự án Đại Ninh, nhưng sau đó, các sai phạm đã dần được hợp thức.
Nghiên cứu kỹ kết luận thanh tra để “bẻ lái”
Biết dự án trên đang gặp vướng mắc, Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Capella đã thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của bà Phan Thị Hoa và người thân tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh, với thỏa thuận giao dịch là 5.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này làm đơn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng để thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Hoa sang Nguyễn Cao Trí.
Theo quy định, Dự án đã có quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động, thì không được chuyển nhượng, do đó đề nghị của phía Công ty Đại Ninh không được chấp thuận.
Cơ quan tố tụng xác định, sau đó, Nguyễn Cao Trí đã nhận được sự tư vấn, định hướng từ chính người ký kết luận thanh tra là ông Nguyễn Văn Minh (đã chết), cựu Phó tổng thanh tra Chính phủ, theo hướng xin giãn tiến độ, tiếp tục thực hiện Dự án.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Cao Trí khai, năm 2020, dù biết Dự án Đại Ninh sắp bị thu hồi, song vẫn đàm phán mua lại từ bà Phan Thị Hoa do nhận định dự án này không dễ thu hồi vì có những điểm bất hợp lý trong kết luận ban đầu của Thanh tra Chính phủ.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí cũng cho rằng, quyết định kiến nghị thu hồi Dự án chưa chặt chẽ, có thể ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp, nên đã thuê một số luật sư để nghiên cứu và tìm cách thay đổi nội dung, giúp Dự án được triển khai trở lại.
Cũng theo bị cáo Nguyễn Cao Trí, sau đó, nhờ “bạn học quen biết hơn 20 năm” là ông Nguyễn Văn Minh và được ông Minh đánh giá là kết luận chưa chặt chẽ, có thể “bẻ lái”, nên đã hướng dẫn Trí gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ, đồng thời định hướng, giới thiệu nhiều mối quan hệ khác.
Dùng quan hệ và tiền để “hồi sinh” dự án
Theo định hướng của ông Minh, Nguyễn Cao Trí đã dùng các thủ đoạn lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc được giới thiệu; dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong quá trình tham mưu, đề xuất và giải quyết vụ việc.
Cụ thể, theo hướng dẫn, Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần gửi đơn đến lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng để đề nghị cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được tiếp tục triển khai Dự án.
Theo quy chế hoạt động, Văn phòng Chính phủ chỉ chuyển đơn thông thường cho các cơ quan liên quan trực tiếp là Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng.
Sau đó, Trí đã nhiều lần liên hệ, gặp ông Mai Tiến Dũng (thời điểm đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) để nhờ “bút phê” vào đơn và chuyển lại cho Thanh tra Chính phủ để xem xét lại Dự án hoặc báo cáo lãnh đạo Chính phủ để được xem xét, giải quyết.
Khai báo về nội dung trên, bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận, do sốt ruột với dự án ngàn tỷ đồng có nguy cơ bị bỏ dở, nên đã nôn nóng đưa quà, tiền cho ông Mai Tiến Dũng và một số cá nhân ở Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, trong đó đưa cho ông Nguyễn Văn Minh 10 tỷ đồng, đưa cho Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ 750 triệu đồng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, Trí cũng được hướng dẫn tới gặp cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp. Theo lời khai của Trí, ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là nhờ thay đổi kiến nghị thanh tra, nhưng sau đó được hướng dẫn “đường đi, nước bước” tới rất nhiều nơi, nên xác định sự việc không hề đơn giản.
Bị cáo cho rằng, khi công việc bị chậm đã rất nôn nóng, nhất là trong việc làm kinh doanh, chỉ còn cách đi năn nỉ người có chức trách, nên đã đưa tiền, quà để mong họ giúp đỡ Dự án được hoạt động trở lại.
Vị doanh nhân khai, khi gặp các ông Trần Đức Quận, Trần Văn Hiệp và một số sở, ngành tại tỉnh Lâm Đồng, theo “thông lệ” của doanh nghiệp, bị cáo cũng phải chào, phải đưa tiền để mong mọi việc được hỗ trợ nhanh chóng.
Trong quá trình nhờ giúp đỡ, bị cáo đã 5 lần đưa quà, tiền cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng; đưa cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp 4,2 tỷ đồng.
Trả lời Hội đồng Xét xử về cáo buộc trên, bị cáo Trần Văn Hiệp thừa nhận hành vi đã nhận hối lộ số tiền như trên.
Theo cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi được Trí liên hệ gặp, nhờ giúp đỡ để “hồi sinh” Dự án Đại Ninh, xác định đây là dự án lớn, quan trọng của tỉnh, đã trải qua 3 nhiệm kỳ, nhưng vẫn bị chậm tiến độ, nên bị cáo cũng mong muốn đưa Dự án vào hoạt động.
Cùng với đó, thấy vị doanh nhân này có năng lực, nên bị cáo cũng không đòi hỏi, vòi vĩnh tiền từ Nguyễn Cao Trí, mà còn nhiều lần từ chối khi được đưa tiền. Tuy nhiên, sau đó bị cáo đã “nể nang”, nên mới nhận quà cảm ơn là 4,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, bị cáo Trần Đức Quận cũng thừa nhận hành vi của mình và cho rằng, do lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giới thiệu trong quá trình giải quyết đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, nên dù Dự án thuộc trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh, nhưng với tư cách Bí thư Tỉnh ủy quản lý chung, bị cáo có trách nhiệm đôn đốc thực hiện để hoàn thành Nghị quyết của tỉnh.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cáo buộc, dù biết rõ Dự án Đại Ninh thuộc diện thu hồi, chấm dứt hoạt động và không được chuyển nhượng, nhưng cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn nhiều lần chỉ đạo cấp dưới và các sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí.
Hai bị cáo này cũng có ý kiến đồng thuận với đề nghị không thu hồi dự án, cho hoãn, giãn tiến độ và tiếp tục hỗ trợ Nguyễn Cao Trí trong các thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án Đại Ninh.
Thâu tóm, trục lợi
Trong quá trình thâu tóm dự án, trở thành Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và được chấp thuận cho Dự án tiếp tục triển khai, Nguyễn Cao Trí đã “sang tay” cho Công ty Thiên Vương.
Trả lời thẩm vấn của Hội đồng Xét xử về nội dung trên, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết, thực tế, Dự án sau khi được mua lại chưa xây dựng được gì, vì đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bị cáo đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với Công ty Thiên Vương (thuộc Tập đoàn Novaland), với mức phí 300 tỷ đồng, sau đó bán lại Dự án cho công ty này với tổng trị giá 27.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau lần thanh toán đầu tiên với số tiền 2.700 tỷ đồng, thì công ty này gặp khó khăn, không tiếp tục thanh toán các lần tiếp theo.
Bị cáo Trí sau đó đã dùng 1.700 tỷ đồng trả cho bà Phan Thị Hoa, còn lại dùng 1.000 tỷ đồng để thanh toán các chi phí khác trong hoạt động kinh doanh của mình.
Liên quan việc mua bán dự án trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xác định, Tập đoàn Novaland biết rõ việc bà Phan Thị Hoa và bị cáo Nguyễn Cao Trí ký hợp đồng chuyển nhượng dự án là trái quy định, do thời điểm này, Dự án đang bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi.
Bên cạnh đó, Novaland cũng biết Trí sẽ phải thực hiện các hành vi chạy thủ tục để được điều chỉnh kết luận thanh tra, song vẫn ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.
Do đó, cơ quan này đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên tịch thu sung công quỹ số tiền trên, các sai phạm tiếp theo xuất phát từ chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo và những người khác trong vụ án; trong đó có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng không đúng quy định pháp luật.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-doan-thau-tom-du-an-dai-ninh-d241425.html