Thủ đoạn tinh vi của nhóm tội phạm qua mặt ngân hàng lừa đảo

Các đối tượng đã sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để làm các ủy nhiệm chi giả mạo, qua mặt hệ thống kiểm soát của ngân hàng rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt. Chỉ trong vòng 5 phút sau khi chuyển khoản thì các đối tượng đã rút được tiền mặt và lẩn trốn.

Giả ủy nhiệm chi qua mặt ngân hàng

VKSND tỉnh Phú Thọ vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với 5 đối tượng: Nguyễn Lê Thanh Tú (SN 1985, ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Tiến Hùng (SN 1995, ở Châu Đức, Bà Rịa, Vũng Tàu); Mạc Đăng Khoa (SN 1991, ở Vĩnh Long); Ngọc Tuấn (SN 1996, ở Bà Rịa, Vũng Tàu); Phạm Xuân Huy, ở Vĩnh Long, về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá một ổ nhóm lừa đảo, hoạt động có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi... đã thực hiện trót lọt nhiều vụ rút tiền từ các ngân hàng khác nhau, để chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp

Các đối tượng đã sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để làm các ủy nhiệm chi giả mạo, qua mặt hệ thống kiểm soát của ngân hàng rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt.

Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Lê Thanh Tú đã mua thông tin về doanh nghiệp như số tài khoản, thông tin cá nhân, số điện thoại, chứng minh thư nhân dân, chữ ký chủ tài khoản, sao kê lần giao dịch gần nhất từ nhân viên ngân hàng...

Khi có hồ sơ các công ty, Tú tự đặt mua con dấu qua mạng, thu thập các ủy nhiệm chi, đơn đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking của các ngân hàng. Tú cũng tự giả mạo chữ ký của kế toán trưởng, chủ tài khoản các công ty trên giấy tờ để làm thủ tục chuyển khoản tiền qua hệ thống ngân hàng.

Theo kịch bản được chuẩn bị từ trước, chỉ trong vòng 5 phút sau khi chuyển khoản thì các đối tượng đã rút được tiền mặt và lẩn trốn.

 Nhóm bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bắt giữ tại Phú Thọ

Nhóm bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bắt giữ tại Phú Thọ

Theo đó, ngày 11/10/2019, Tú chỉ đạo Khoa sử dụng căn cước giả mang tên Nguyễn Văn Đức đến mở tài khoản cá nhân tại một ngân hàng ở tỉnh Đồng Nai để sử dụng chuyển tiền.

Tháng 11/2019, Tú đưa cho Hùng và Huy một bộ tài liệu giả của một công ty thép gồm 5 ủy nhiệm chi, 5 giấy giới thiệu, một giấy đăng ký thay đổi dịch vụ SMS Banking. Huy và Hùng sau đó cầm chứng minh thư nhân dân giả đến ngân hàng giới thiệu là kế toán công ty để đăng ký số điện thoại nhận biến động số dư.

Đăng ký hoàn tất, Huy và Hùng tiếp tục theo chỉ đạo của Tú di chuyển về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cùng lúc này, Khoa và Tuấn đến tỉnh Đồng Nai để chờ rút tiền.

Ngày 20/11/2019, Tú nhận được tin nhắn SMS Banking từ ngân hàng thông báo công ty thép nhận chuyển khoản hơn 3,1 tỉ đồng. Tú lập tức chỉ đạo Huy và Hùng đến một ngân hàng ở thành phố Việt Trì điền đầy đủ thông tin trên giấy ủy nhiệm chi để chuyển tiền sang tài khoản cho Khoa. Từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Khoa dùng tài khoản lập bằng chứng minh thư giả trước đó rút sạch 3,1 tỉ đồng.

Chiếm đoạt tiền thành công,Tú đặt vé máy bay cho Huy, Hùng về TP HCM. Số tiền 3,1 tỉ đồng, Tú chia cho Huy, Hùng mỗi người 50 triệu đồng và Khoa, Tuấn mỗi người 100 triệu đồng.

Theo khai nhận, bằng thủ đoạn này các đối tượng đã thực hiện trót lọt khoảng 5 vụ ở các tỉnh trên toàn quốc với số tiền lên đến hơn 10 tỉ đồng.

Hành vi tiếp tay của cán bộ nhân hàng

Làm việc với cơ quan điều tra, Tú khai nhận, để có thể có được những thông tin chi tiết về hồ sơ tài khoản của doanh nghiệp, đối tượng này đã mua dữ liệu, thông tin của các doanh nghiệp từ một nhân viên ngân hàng.

Để dễ dàng có được sự hợp tác của nhân viên ngân hàng, khi đề nghị mua dữ liệu, Tú đã lấy lý do là để đối chiếu lại thông tin doanh nghiệp “trước khi cho vay lãi” chứ không tiết lộ việc mua dữ liệu với mục đích để đi lừa đảo. Với mỗi thông tin hồ sơ của doanh nghiệp, Tú trả cho nhân viên ngân hàng từ 10 triệu- 15 triệu đồng.

Vì thế, Tú muốn lấy hồ sơ tài khoản của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều được đáp ứng.

Hiện đã có 3 nhân viên ngân hàng làm việc tại 2 ngân hàng khác nhau đang bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ tạm giữ hình sự, để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án gồm: Đoàn Lê Tri Viễn, Lê Thái Nhân và Nguyễn Thái Thịnh cũng bị Công an Phú Thọ tạm giữ.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đoàn Lê Trí Viễn (SN 1992, trú tại Núi Thành, Quảng Nam, nhân viên ngân hàng BIDV, Chi nhánh Trường Sơn, TP.HCM) đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Theo đó, Viễn khai, khi được Tú gửi thông tin về doanh nghiệp cần mua thì Viễn sẽ dùng tài khoản user nội bộ của mình kiểm tra thông tin của doanh nghiệp đó trên hệ thống, rồi gửi qua ứng dụng telegram cho Tú.

Chính vì thế, tất cả những thông tin về số tài khoản, chủ tài khoản, kế toán trưởng, mẫu dấu công ty và số điện thoại báo số dư tài khoản của doanh nghiệp dễ dàng bị tiết lộ. Thậm chí là cả sao kê các giao dịch gần nhất cũng bị đem ra để bán.

Theo khai nhận, để có được dữ liệu tài khoản của doanh nghiệp mở ở các hệ thống ngân hàng khác, nhân viên ngân hàng này đã nhờ sự hỗ trợ của một số bạn bè đồng nghiệp làm ở các ngân hàng khác và trả chi phí 3 triệu cho một hồ sơ tài khoản.

Đối tượng Đoàn Lê Trí Viễn khai rằng, bản thân đã cung cấp tổng cộng thông tin của 54 doanh nghiệp cho Nguyễn Lê Thanh Tú, thu về số tiền 740 triệu đồng.

Ngọc Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/khoi-to/thu-doan-tinh-vi-cua-nhom-toi-pham-qua-mat-ngan-hang-lua-dao-79826.html