Thủ đoạn tinh vi làm giả con dấu lừa đảo hơn chục tỷ đồng
Theo cảnh sát, các đối tượng đã mua thông tin doanh nghiệp từ nhân viên ngân hàng sau đó sử dụng ủy nhiệm chi, con dấu, chữ ký giả để lừa đảo, thực hiện lệnh giao dịch chuyển tiền qua đó chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.
Nhân viên ngân hàng bán thông tin doanh nghiệp cho đối tượng lừa đảo
Liên quan tới vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của hàng loạt doanh nghiệp vừa được Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá, thượng tá Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế cho biết, nhóm 5 đối tượng do Nguyễn Lê Thanh Tú (SN 1985, ở TP HCM) cầm đầu hoạt động rất tinh vi, thủ đoạn mới.
Theo thượng tá Tuấn, cuối tháng 11, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn đề nghị của chị Nguyễn Thị Khuyên (SN 1982, quê tỉnh Thái Bình) - Giám đốc Công ty CPTM thép Đông Hưng (Cty Đông Hưng).
Theo đơn gửi cảnh sát, ngày 20/11, chị Khuyên nhận được tin nhắn dịch vụ của một ngân hàng chi nhánh Đông – Hà Nội về việc giao dịch chuyển khoản cho Nguyễn Văn Đức số tiền 3,14 tỷ đồng. Giao dịch chuyển khoản thực hiện tại ngân hàng này, có chi nhánh tại Đền Hùng – Phú Thọ.
Tuy nhiên, chị Khuyên khẳng định chị và công ty không ký chứng từ ủy nhiệm chi, lệnh chuyển khoản nào liên quan số tiền trên và không cho cá nhân nào thực hiện giao dịch, đồng thời không có quan hệ kinh tế gì với cá nhân người nhận.
Vào cuộc xác minh, cảnh sát đã bắt giữ 5 đối tượng liên quan vụ án để mở rộng điều tra gồm: Nguyễn Lê Thanh Tú; Nguyễn Tiến Hùng (SN 1995), Nền Ngọc Tuấn (SN 1991), cùng quê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); Mạc Đăng Khoa (SN 1995) và Phạm Xuân Huy, cùng quê tỉnh Vĩnh Long.
Các đối tượng này đã lợi dụng sự thiếu sót của hệ thống các ngân hàng trong quản lý tài khoản cá nhân, tổ chức để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Tú đã mua thông tin tài khoản của các doanh nghiệp qua nhân viên một số ngân hàng như: số tài khoản, tên địa chỉ doanh nghiệp, mẫu chữ ký, mẫu dấu, sao tài khoản của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Sau đó, Nguyễn Lê Thanh Tú mua con dấu giả qua mạng internet, thu thập các ủy nhiệm chi, đơn đăng ký sử dụng SMS Banking, giấy giới thiệu của các ngân hàng. Tú tự ký giả chữ ký của kế toán trưởng, chủ tài khoản các công ty trên các giấy tờ, chứng từ nêu trên để có thể làm thủ tục chuyển khoản tiền qua hệ thống ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp.
Theo cơ quan công an, đầu tháng 11, Tú giao cho Hùng, Huy một bộ tài liệu giả mang tên Cty Đông Hưng với 5 ủy nhiệm chi, giấy giới thiệu, giấy đăng ký thay đổi dịch vụ SMS banking của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Tất cả các giấy tờ đều có chữ ký, dấu của chủ tài khoản và của công ty.
Tú chỉ đạo Huy và Hùng mang CMTND giả, giấy giới thiệu giả mạo kế toán ngân hàng này, thay mặt doanh nghiệp thay đổi dịch vụ SMS banking, qua đó thêm số điện thoại nhận biến động số dư (số điện thoại do Tú quản lý.
Sau đó, Tú tiếp tục chỉ đạo Huy, Hùng đến TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đợi. Mặt khác, đối tượng chủ mưu chỉ đạo Khoa, Tuấn đến TP Biên Hòa – Đồng Nai chờ lệnh giao dịch lập tức rút tiền.
Trưa 20/11, nhận được tin nhắn của Cty Đông Hưng báo nhận số tiền 3,149 tỷ đồng, Tú chỉ đạo Hùng điền đầy đủ thông tin trên ủy nhiệm chi để chuyển 3,14 tỷ vào tài khoản của Khoa.
Sau đó, Huy và Hùng đến một ngân hàng chi nhánh Đền Hùng – Phòng giao dịch Văn Lang thuộc TP Việt Trì để thực hiện lệnh chuyển khoản.
Sau khi chuyển tiền thành công, Khoa sử dụng căn cước công dân giả mang tên Nguyễn Văn Đức ra Ngân hàng TMCP Công thương – chi nhánh Biên Hòa, Đồng Nai rút toàn bộ số tiền.
Xong việc, Tú đặt vé máy bay cho Huy, Hùng về Sài Gòn. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Tú chia cho Huy Hùng mỗi người 50 triệu đồng, Khoa, Tuấn mỗi người 100 triệu đồng. Hơn 2,8 tỷ đồng còn lại, Tú giữ và sử dụng.
Cũng theo thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, bước đầu các đối tượng khai nhận bằng thủ đoạn trên đã thực hiện trót lọt 5 vụ, qua đó chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của các doanh nghiệp.