Thú dữ sống ở... khu dân cư

Tại Việt Nam, tê giác bị công bố tuyệt chủng từ năm 2010, hàng trăm con gấu đang bị nuôi nhốt lấy mật và rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán trái phép

Vụ Công an tỉnh Nghệ An phát hiện người dân xã Đô Thành (huyện Yên Thành) nuôi 17 con hổ mới đây đã làm dấy lên lo ngại tình trạng nuôi thú dữ ở khu dân cư. Không chỉ Nghệ An, tại nhiều địa phương khác, tình trạng nuôi hổ, gấu... ở khu dân cư không còn là chuyện lạ.

Buôn lậu động vật hoang dã rất "sôi động"

Đây không phải là vụ việc nuôi hổ đầu tiên bị phát hiện tại tỉnh Nghệ An. Vào năm 2012, tình trạng "nuôi hổ như nuôi heo" cũng đã xảy ra ở xã Đô Thành. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều hộ dân đã chuyển hổ sang huyện Diễn Châu của tỉnh này. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn, thu giữ 4 con hổ, trong đó có con nặng 170 kg.

Tổ chức Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng vừa công bố báo cáo "Chưa lối thoát - Nạn buôn bán động vật hoang dã hiện nay tại Việt Nam". PanNature cho biết tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép các loài thú hoang dã ở quy mô thương mại xuất hiện từ những năm cuối thập kỷ 1980 sau chính sách đổi mới, mở cửa. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 thập kỷ, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ và trung tâm buôn bán động vật hoang dã lớn, là mắt xích quan trọng của đường dây buôn lậu động vật hoang dã tại khu vực và châu lục.

Số liệu từ các vụ bắt giữ tại Việt Nam chỉ ra nhiều loài động vật hoang dã bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn thông qua con đường nhập lậu từ các quốc gia bên ngoài. Trong đó, các sản phẩm từ tê giác châu Phi, ngà voi châu Phi, vảy tê tê, rùa, rắn, hổ... chiếm số lượng đáng kể.

Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu sử dụng và các đường dây buôn lậu động vật hoang dã trong và ngoài nước khiến nhiều quần thể quý hiếm bị suy giảm trầm trọng: tê giác bị công bố tuyệt chủng từ năm 2010, hàng trăm con gấu đang bị nuôi nhốt lấy mật và rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán trái phép.

Theo Cơ quan Điều tra môi trường quốc tế (EIA), trong thời gian từ năm 2004 đến tháng 4-2019, Việt Nam có hơn 600 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tổng khối lượng hàng cấm gồm hơn 105 tấn ngà voi, tương đương với khoảng 15.779 cá thể; 1,69 tấn sừng tê giác, ước tính có nguồn gốc từ khoảng 610 con tê giác; da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 con hổ; cơ thể và vảy của 65.510 con tê tê.

Một trong số 17 con hổ vừa được cơ quan chức năng phát hiện nuôi trái phép ở tỉnh Nghệ An Ảnh: ĐỨC NGỌC

Một trong số 17 con hổ vừa được cơ quan chức năng phát hiện nuôi trái phép ở tỉnh Nghệ An Ảnh: ĐỨC NGỌC

Sự thờ ơ của địa phương

Trong 2 năm 2019 và 2020, PanNature đã tổ chức 13 chuyến điều tra thực địa tại 20 tỉnh, thành nhằm thâm nhập các cơ sở buôn bán ngà voi, hổ, rùa, chim và những loài động vật hoang dã khác. Riêng về buôn lậu ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi, PanNature cho rằng Đắk Lắk được coi là "thủ phủ" ngà lậu, trong đó 2 khu vực tập trung buôn bán ngà là TP Buôn Ma Thuột và Khu Du lịch Buôn Đôn. Tuy số lượng cửa hàng tại 2 địa điểm này chưa phải nhiều nhất, song khả năng cung ứng các sản phẩm từ ngà lậu rất lớn. Thông tin từ các chủ hàng cho hay ngà lậu chủ yếu có nguồn gốc từ châu Phi và được chế tác tại Hà Nội, TP HCM trước khi chuyển đến Đắk Lắk.

"Một trong những mánh khóe mà các cơ sở thường áp dụng là buôn bán ngà voi trà trộn cùng các sản phẩm có mẫu mã, kích thước tương tự được làm từ nhựa hoặc xương động vật để trong trường hợp bị phát hiện, họ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính" - báo cáo của PanNature nêu và cho rằng tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng thường viện dẫn một số khó khăn cố hữu như nhân lực mỏng, khó bắt quả tang các đối tượng vi phạm hoặc khó truy tìm chủ hàng thực sự để điều tra, khởi tố vụ án. "Trong khi các nhà báo dễ dàng tiếp cận, ghi hình, chụp ảnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã thì ở nhiều địa phương, lực lượng chức năng vẫn cho rằng hoạt động này khó phát hiện hoặc không có nguồn lực để xử lý" - báo cáo của PanNature nêu.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo, giao dịch động vật hoang dã được công khai trên các trang mạng xã hội cũng ít được quan tâm truy quét, chưa kể rất nhiều vụ nhận được báo cáo, tố giác nhưng không được tiếp nhận xử lý. Điều này cho thấy việc kiểm soát, điều tra, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã ở các địa phương cần đòi hỏi hơn nữa quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong chỉ đạo, đốc thúc, giám sát liên ngành cũng như tính trách nhiệm của bộ phận thực thi pháp luật.

Nhiều loài đã tuyệt chủng

Theo số liệu cập nhật năm 2016 của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), ước tính Việt Nam chỉ còn khoảng 5 con hổ trong tự nhiên, chủ yếu phân bố ở khu vực biên giới miền Trung và Tây Bắc. Năm 2010, Việt Nam đã mất đi con tê giác cuối cùng và nhiều nhà khoa học tin rằng hổ sẽ có khả năng cao là loài động vật tiếp theo bị tuyên bố tuyệt chủng tại Việt Nam.

Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới cũng đưa ra số liệu cho biết tính đến tháng 12-2020, có 343 con hổ đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam, trong đó 284 con bị nuôi nhốt tại 21 trang trại và sở thú tư nhân. Số còn lại thuộc sở hữu của các vườn thú và những trung tâm cứu hộ của nhà nước. Hầu hết số lượng hổ tại các cơ sở gây nuôi hổ tư nhân đều có nguồn gốc bất hợp pháp. Một số cơ sở gây nuôi hổ hợp pháp được sử dụng làm bình phong cho các hoạt động buôn bán hổ trái phép.

Ông Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển chương trình của WWF:

Cần xóa các trang trại nuôi hổ

WWF khẩn thiết khuyến nghị Việt Nam đình chỉ ngay việc nuôi sinh sản hổ không đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và cần xóa bỏ những trang trại hổ này theo các cam kết quốc tế của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động - thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, một việc quan trọng cần tiến hành là kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ hiện có, nhận dạng tất cả hổ nuôi nhốt bằng gắn chip điện tử, thu thập mẫu gien và chụp ảnh nhận dạng sọc vằn đặc trưng của từng cá thể để tổng hợp thành cơ sở dữ liệu chung về hổ nuôi nhốt. Bằng cách này, có thể tìm ra nguồn gốc của các con hổ bị tuồn ra ngoài thị trường dựa vào cơ sở dữ liệu, đồng thời bảo đảm rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ không phục vụ nhu cầu về hổ và các sản phẩm bất hợp pháp từ hổ.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature:

Kiểm soát việc nuôi động vật hoang dã

Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã có ý nghĩa đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, chứ không thay thế những điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ động vật hoang dã như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Bộ Luật Hình sự.

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét, đề xuất đánh giá, sửa đổi các văn bản luật liên quan theo hướng chặt chẽ hơn, bổ sung chế tài cho phù hợp với thực tế hoạt động gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam. Theo đó, phải tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật để kiểm soát việc gây nuôi động vật hoang dã trái phép và không bền vững.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ:

Phạt tù từ 10-15 năm

Hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo điều 244 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình nuôi nhốt 17 con hổ không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật, dù chưa biết đây là loài hổ gì thì cũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 244 Bộ Luật Hình sự. Khung hình phạt của hành vi nuôi nhốt trái phép 17 con hổ là từ 10 năm đến 15 năm tù; ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền lên đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

V.Duẩn - P.Dũng ghi

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/thu-du-song-o-khu-dan-cu-2021080720444398.htm