Thu gom, quản lý 570 tấn rác thải nhựa từ Dự án TVA
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo kết thúc Dự án TVA giai đoạn 2021-2024 và triển khai mở rộng năm 2025.
Hội thảo do Ban Quản lý (BQL) Dự án TVA phối hợp với UBND TP. Huế tổ chức ngày 15/11 với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương.
Những kết quả ghi nhận
Trong hơn 3 năm triển khai các hoạt động, Dự án TVA đã thu gom và quản lý được 570 tấn RTN. Nhiều mô hình, sáng kiến và giải pháp đã được triển khai thành công trên địa bàn TP. Huế. Chương trình phân loại chất thải rắn (PLCTR) tại nguồn được triển khai trên toàn địa bàn 36 phường, xã của TP. Huế với sự trang bị đồng bộ 295 điểm thùng lưu chứa cùng các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về PLRTN.
Ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết: Trong 2 năm (2023 và 2024), xã Phú Mậu đã nhận được tài trợ của WWF-Việt Nam gần 500 triệu đồng để triển khai 13 hoạt động giảm thiểu RTN; tổ chức tuyên truyền, vận động, ký cam kết và tặng vật dụng sử dụng thay thế bì ni long sử dụng 1 lần cho 570 hộ gia đình. Các hội, đoàn thể đã tổ chức vận động hội viên ra quân làm vệ sinh môi trường điểm ô nhiễm đình kỳ hàng tuần và tổ chức trồng được 60 gốc hồng cổ và hình thành nên tuyến đường hoa dài 100m. Đồng thời, tăng cường thu dọn rác tại các bến nước dọc sông Hương, giúp thu gom được 9.479kg rác thải nilong đang tồn tại trong môi trường; ngoài ra, đã lắp 10 camera giám sát thường xuyên để khắc phục tình trạng vứt rác gây ô nhiễm môi trường và lắp 1 trạm nhà chờ, điểm cấp nước uống miễn phí phục vụ du khách.
Theo Sở Du lịch, thời gian qua, mô hình du lịch giảm nhựa tại TP. Huế đã đạt được thành quả tích cực với 41 đơn vị, bao gồm khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng, đã ký cam kết triển khai giảm nhựa. 12 khách sạn đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm nhựa tại đơn vị. 4 đơn vị lữ hành cam kết và hiện đang thực hiện các tour du lịch giảm RTN. Thiết kế một số điểm đến và tour du lịch không RTN cũng là mục tiêu đã được ngành du lịch đề ra. Để thực hiện được điều đó, năm 2023, Hiệp hội Du lịch đã phối hợp với WWF- Việt Nam lựa chọn tour và đơn vị tham gia thực hiện tour không dùng đồ nhựa một lần; theo đó, đã xây dựng thành công điểm đến du lịch giảm nhựa tại Thủy Biều với 16 cơ sở cộng đồng tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Du lịch cho rằng, công tác triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc tham gia thực hành giảm rác thải nhựa hiện tại chủ yếu được các doanh nghiệp cơ sở lưu trú hưởng ứng, các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành và điểm du lịch đã tham gia nhưng chưa tích cực. Trung ương và địa phương vẫn chưa có cơ chế, chính sách lớn để tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ, điểm đến tham gia vào quá trình thực hành giảm thiểu rác thải nhựa. Nguồn kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật của một số doanh nghiệp du lịch – dịch vụ, điểm đến còn hạn chế.
Mở rộng dự án
Tại hội thảo, các đại biểu, Ban QLDA TVA, WWF-Việt Nam cùng các đơn vị đối tác đã trao đổi, thảo luận, đánh giá quá trình thực hiện dự án, rút ra những bài học kinh nghiệm, mô hình hay để định hướng kế hoạch tiếp tục triển khai và mở rộng dự án trong năm 2025, từ đó đề xuất văn kiện trình phê duyệt.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án TVA cho biết: “Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, sự tham gia của các đối tác, người dân trên địa bàn và sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của người dân Na Uy, dự án đã triển khai thành công các sáng kiến giảm nhựa, vượt mức so với chỉ tiêu đề ra của chương trình giảm nhựa. Thông qua những thành tựu ban đầu đã thực hiện, dự án kỳ vọng TP. Huế sẽ tiếp nối để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới, hướng đến xây dựng Huế là một đô thị giảm nhựa tiêu biểu ở miền Trung”.
Theo nghiên cứu của WWF-Việt Nam năm 2021, tại TP. Huế mỗi ngày có hơn 400 tấn rác sinh hoạt được thải ra, trong đó khoảng 11 tấn chất thải chưa được quản lý, thất thoát ra môi trường. Thông qua Dự án TVA, từ năm 2022 đến nay, dự án đã phối hợp với các bên liên quan chính triển khai các mô hình và giải pháp nhằm giảm thiểu lượng CTR phát sinh, mở rộng mạng lưới thu gom, và cải thiện hệ thống thu gom, vận chuyển CTR; cũng như nỗ lực gắn kết và kêu gọi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng địa phương cùng hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Dự án triển khai thành công việc áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong QLCTR với việc phối hợp cùng Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh, phát triển phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát trên đường phố nhằm nhận diện rác thải đổ không đúng quy định. Ứng dụng Hue-S còn tích hợp chức năng hữu ích như “Tìm kiếm điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại” và “Hướng dẫn du lịch giảm nhựa cho du khách khi đến Huế”.
Phối hợp với Sở TN&MT xây dựng cơ sở dữ liệu CTR tỉnh và cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý nguồn thải tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua các hoạt động, dự án đã tiếp cận được 1,1 triệu lượt người tham gia và ghi nhận sự đồng hành của 127 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thay đổi hành vi sử dụng nhựa và phân loại rác tại nguồn.
Dự án TVA được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi RTN. Dự án với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát RTN vào năm 2024.