Thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật
Những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời xây dựng các bể chứa rác nên người nông dân đã ý thức hơn trong việc thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Cách đây khoảng 5 - 6 năm, trên những cánh đồng của các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai… dễ dàng bắt gặp rác thải từ thuốc BVTV như can, chai, lọ, túi ni-lông… Đa phần rác thải từ thuốc BVTV được làm bằng nhựa nên cần đến hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Không những vậy, bên trong một số can, chai, lọ, túi ni-lông còn tồn lượng thuốc BVTV, ảnh hưởng tới nguồn nước, đất, không khí. Vì thế, rác thải từ thuốc BVTV được coi là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng lớn tới môi trường sống của con người, cần sớm được giải quyết.
Xã Mường Vi (huyện Bát Xát) được mệnh danh là thủ phủ của lúa Séng cù với gần 300 ha. Hằng năm, nông dân Mường Vi phải sử dụng một lượng thuốc BVTV nhất định để cây lúa Séng cù đảm bảo năng suất, chất lượng cao nhất. Ông Trần Lâm (thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi) cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV là tất yếu. Quan trọng nhất là phải biết sử dụng đúng cách, không lạm dụng thuốc BVTV nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Gia đình tôi cấy gần 2 ha lúa Séng cù, mỗi năm chi phí gần 1 triệu đồng cho thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi sử dụng, tôi đều bỏ vỏ thuốc BVTV vào bể chứa được xây dựng trên cánh đồng.
Huyện Mường Khương có diện tích cây chuối, dứa, chè… lớn nhất của tỉnh. Vì thế, nơi đây từng một thời “nổi tiếng” với việc vứt rác thải từ thuốc BVTV ra môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền, vận động cùng với việc triển khai xây dựng các bể thu gom rác tập trung trên những cánh đồng, ý thức của người dân đã thay đổi và hiện tượng vứt rác thải từ thuốc BVTV bừa bãi ra môi trường không còn nhiều.
Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) cho biết: Với diện tích dứa, chuối nhiều nhất huyện, hằng năm nông dân xã Bản Lầu phải sử dụng lượng lớn thuốc BVTV nên rác thải từ thuốc BVTV khá lớn. Nhận thức rõ điều này, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, trưởng các thôn, bản tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân về tác hại của việc vứt bừa bãi rác thải từ thuốc BVTV ra môi trường. Từ đó, nhận thức của người dân đã thay đổi, không còn vứt bừa bãi rác như trước.
Thời gian qua, huyện Mường Khương đã huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn xã hội hóa xây dựng các bể chứa rác thải thuốc BVTV ở các khu vực trồng nhiều dứa, chè, chuối. Bà Lương Thị Hồng (thôn Na Mạ 2, xã Bản Lầu) cho biết: Trên các khu vực trồng dứa, chuối của địa phương đã được xây dựng bể chứa rác nên người dân rất thuận tiện trong việc vứt bỏ vỏ thuốc BVTV. Việc thu gom tập trung rác thải được chúng tôi thực hiện nhiều năm nay, góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng.
Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, trước đây nhiều người dân sau khi sử dụng thuốc BVTV đã vứt rác bừa bãi ra môi trường. Nhận thấy đây là mối hại không chỉ với môi trường mà còn với sức khỏe con người nên các cấp, ngành, địa phương của huyện đã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác thải vào bể tập trung để xử lý. Đến thời điểm này có thể khẳng định phần lớn người dân Mường Khương đã ý thức trong việc thu gom rác thải từ thuốc BVTV.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm nông dân Lào Cai sử dụng hơn 150 tấn thuốc BVTV. Đây là một con số lớn. Ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hình thành thói quen bỏ rác thải từ thuốc BVTV vào các bể chứa tập trung, các cấp, ngành, địa phương cũng cần tính đến phương án thu gom, xử lý đảm bảo an toàn nhằm góp phần đưa ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.