Thu gom rác trong các khu vực cách ly: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình
Giám sát công tác thu gom, xử lý rác thải trong các khu vực cách ly có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Song, để xử lý kịp thời một khối lượng rác khổng lồ phát sinh trong một thời gian ngắn, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là chuyện không hề đơn giản.
Đồng lòng cống hiến
Trung tá Nguyễn Bá Sơn – Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật, Ban Chỉ huy quận sự quận Hoàng Mai cho biết, trong những ngày qua, khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp phục vụ 1.879 người, là những người nhập cảnh từ nước ngoài về.
Hàng ngày, người cách ly được cung cấp 3 bữa ăn đều là các suất đóng hộp sử dụng một lần nên lượng rác thải sinh hoạt rất lớn. Bên cạnh đó, lượng khẩu trang qua sử dụng do những người cách ly vứt bỏ hàng ngày cũng không nhỏ. Do đó, để kịp thời xử lý lượng rác thải phát sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực cách ly, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Ban Chỉ huy Quân sự quận và các đơn vị chức năng đã phải làm việc hết công suất, thậm chí chia ca để ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai - nơi được coi là “ổ dịch” Covid-19, hiện tại, lượng rác thu gom ở đây trung bình từ 1,3 – 1,5 tấn mỗi ngày, công tác thu gom rác thải y tế vẫn duy trì tần suất 2 chuyến/ngày, cao điểm là 3 chuyến/ngày. Tất cả rác thải được phân loại, xử lý theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
Theo lãnh đạo Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13), dù là khu cách ly, song tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì các hoạt động khác nên lượng rác phát sinh hàng ngày rất lớn, phức tạp. Song với cán bộ, nhân Urenco 13 phần lớn đã từng kinh qua phòng chống nhiều dịch như SARS, H5N1 nên khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người cũng đã có chuẩn bị tâm lý, đồng lòng, sẵn sàng cống hiến.
Quyết tâm đẩy lùi đại dịch
Liên quan đến công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu vực cách ly, Trung tá Nguyễn Bá Sơn – Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai cho biết, xác định đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao nếu có trường hợp dương tính nên ngay từ đầu Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai đã hướng dẫn phân loại, thu gom các loại rác thải tại khu vực này rất kỹ càng.
Cụ thể, tại mỗi tầng đều cho đặt hai loại thùng rác xanh và vàng để phân loại rác sinh hoạt và rác y tế. Hàng ngày, lực lượng phục vụ là các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lênh Thủ đô, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai thu gom từ các tầng xuống khu vực tầng 1 đóng gói cẩn thận. Lượng rác này sau đó được một đơn vị chuyên về xử lý rác thải y tế được quận Hoàng Mai thuê chở đi xử lý.
Một nữ công nhân thu gom của Urenco 13 cho biết, rác thải y tế, đặc biệt là rác thải trong khu vực cách ly rất nguy hiểm, nếu không được xử lý kỹ càng thì nguy cơ lây lan dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, để ngăn chặn lây lan, Urenco13 đã và đang xử lý nghiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
"Mặc dù công tác thu gom, xử lý chất thải của khu cách ly khó khăn, nguy hiểm hơn rác thải thông thường rất nhiều nhưng chúng tôi không nản lòng. Mong sao đại dịch được đẩy lùi để nguy hiểm không còn rình rập tới đời sống người dân" - nữ công nhân bày tỏ.
Trong khi đó, dưới góc độ xã hội học, nhiều chuyên gia cho rằng, việc người dân duy trì được thói quen như ở trong các khu, điểm cách ly tự giác phân loại rác tại nguồn thì câu chuyện phân loại rác thải từ đầu nguồn – một bài toán khó thực hiện ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ từng bước được giải quyết.
Hiện nay, có 2 phương pháp xử lý rác thải y tế là hấp và đốt. Với phương pháp đốt, rác y tế sẽ được đưa vào lò đốt ở nhiệt độ cao để tiêu hủy. Còn phương pháp hấp, sau khi đưa rác y tế vào hệ thống lò hấp, tất cả vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh không còn sẽ đưa đi chôn lấp như rác thải thông thường.