Thu gom, xử lý rác theo Luật Bảo vệ môi trường - Không còn nhiều thời gian chuẩn bị

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1-1-2025, các địa phương phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và đầu tư mạnh cho tái chế, tái sử dụng rác một cách hiệu quả. Như vậy, chỉ còn 3 quý nữa để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này, nhưng phản hồi từ thực tế tại TPHCM cho thấy, mọi công tác còn khá ngổn ngang.

Lúng túng với phương tiện thu gom rác dân lập

Khác với nhiều địa phương khác trên cả nước, TPHCM có lực lượng thu gom rác dân lập khá lớn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, lực lượng thu gom rác dân lập đóng một vai trò quan trọng trong việc thu gom rác, đảm bảo vệ sinh môi trường cho thành phố, hiện lực lượng này đang thu gom tới 60% khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng hoạt động thu gom, thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện vận động các hộ, cá nhân thu gom rác dân lập thành hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn còn thô sơ như xe ba gác, xe thùng tự chế... chỉ có 1 ngăn đựng rác (không đựng được rác đã phân loại) sang phương tiện thu gom đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

 TPHCM đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi các phương tiện thu gom rác

TPHCM đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi các phương tiện thu gom rác

Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, TP Thủ Đức và 20/21 quận huyện đã hoàn thành việc việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, còn 1 quận chưa hoàn thành là quận 5 (mới đạt 85,1%). Cụ thể, có 2.520/2.553 tổ, đường dây thu gom rác dân lập vận động tham gia vào HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 98,7%), còn khoảng 33 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn thành phố; 208 công ty tư nhân thu gom rác đang hoạt động trên địa bàn; 35 HTX hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác tại nguồn và 1 Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm.

Công tác vận động chuyển đổi phương tiện thu gom rác đạt chuẩn cũng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Từ năm 2021 đến nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, chuyển đổi được 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt. Qua cập nhật báo cáo của các địa phương, tổng số lượng phương tiện thu gom hiện hữu của thành phố là 6.414, trong đó vẫn còn 2.378 phương tiện không đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 37% và 4.036 phương tiện đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 63%. Nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.883 phương tiện với nhu cầu vốn vay khoảng 228,89 tỷ đồng.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, cứ khoảng từ 8-9 giờ sáng mỗi ngày, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Phan Lê lại điều khiển một chiếc xe máy cà tàng có gắn thùng chứa rác len lỏi vào hẻm 83, đường 6, phường An Khánh, TP Thủ Đức để đi gom rác. Theo ghi nhận, thùng rác đã được nâng cấp, không còn rò rỉ nước rác so với cách đây 3 năm, nhưng vẫn không đạt yêu cầu, thùng vẫn chỉ có một ngăn, không có nắp đậy, khi người thu gom cào bới, lượm ve chai thì mùi hôi thối vẫn phát ra. Không chỉ ở hẻm 83 mà còn rất nhiều hẻm nhỏ ở các quận, huyện khác, tình trạng đơn vị thu gom vẫn sử dụng phương tiện thu gom thô sơ còn rất phổ biến.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Phòng TN-MT quận Bình Tân cho biết, thành phố chưa ban hành kế hoạch phân loại rác theo tiêu chí mới nên chưa giao các đơn vị trang bị xe 2 ngăn. Đại diện Phòng TN-MT huyện Bình Chánh thì cho rằng, do chưa có thiết kế mẫu xe chung đối với phương tiện thu gom rác trong hẻm nhỏ nên các đơn vị cũng chưa biết trang bị như thế nào. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm, việc sử dụng xe thu gom rác có thùng 1 ngăn hay 2 ngăn là tùy vào mục đích sử dụng của các đơn vị thu gom. Các đơn vị tự tính toán, bố trí phương tiện sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa bàn.

Về phía lực lượng thu gom rác dân lập, ông Phạm Văn Khanh, Giám đốc HTX Môi trường quận 5, cho biết, mặc dù thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quỹ bảo vệ môi trường có chính sách hỗ trợ từ 70%-80% nguồn vốn vay, nhưng muốn được vay khoản tiền này, đơn vị cho vay phải yêu cầu thế chấp, chứ không cho tín chấp, mà thế chấp thì lấy gì thế chấp? Hiện nay, người thu gom rác thu nhập bình quân chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Tái chế có điểm sáng, nhưng…

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện nay, TPHCM đang tồn tại 2 thị trường tái chế chất thải sinh hoạt bao gồm, thị trường phi chính thức và thị trường chính thức. Thị trường tái chế phi chính thức chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, chuyên tái chế các loại phế liệu như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh. Phần lớn các cơ sở tái chế tập trung ở quận 5, 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh… Nhìn chung, các cơ sở tái chế loại này có công nghệ lạc hậu và thường không đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động tái chế, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng xung quanh.

Thị trường chính thức chủ yếu là các doanh nghiệp tái chế được cấp phép hoạt động theo quy định. Ghi nhận thực tế tại nhà máy tái chế rác sinh hoạt của Công ty Vietstar (nhà máy đặt tại Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi) cho thấy, nhà máy đã đầu tư một dây chuyền xử lý và rác sau khi được các xe tải gom về sẽ được cho vào kho, rồi ép khô. Tất cả xe tải chở rác trước và sau khi ra vào nhà máy đều được xịt nước vệ sinh sạch sẽ. Khi tiến hành xử lý, rác được chuyển lên dây chuyền và được phân loại một cách tự động (kim loại ra kim loại, nhựa ra nhựa, thực phẩm riêng), sau đó sẽ được chuyển tiếp qua các dây chuyền khác để thực hiện cắt, trộn, nghiền... Tất cả công đoạn đều khép kín bằng máy móc.

Theo ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietstar, Vietstar đang tiếp nhận, xử lý khoảng 2.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày. Phân bón compost của Vietstar đã được sử dụng ở quy mô lớn tại Tây Nguyên, miền Nam và miền Đông… Ngoài ra, sản phẩm phân hữu cơ từ tái chế của công ty cũng được xuất khẩu sang Thái Lan.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cũng cho biết, hiện nay công ty cũng đang triển khai dự án tái chế chất thải nhựa y tế không nguy hại thành các hạt nhựa có thể tái sử dụng. Xưởng tái chế được đặt tại công trường xử lý rác thải Gò Cát, quận Bình Tân, với công suất khoảng 2 tấn/ngày. Chất thải nhựa y tế không nguy hại được thu gom và vận chuyển đến xưởng tái chế Gò Cát.

 Hạt nhựa được tạo ra từ việc tái chế chất thải nhựa ở Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu

Hạt nhựa được tạo ra từ việc tái chế chất thải nhựa ở Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu

Ghi nhận tại nhà máy xử lý rác của Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (mAc - nhà máy đặt tại Khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh), cũng cho thấy, công ty đã đầu tư dây chuyền tái chế nhựa và tái chế dầu nhờn khá hiện đại. Đối với chất thải là nhựa, sau khi thu gom về sẽ được phân loại bằng cách thủ công (nhựa dẻo, nhựa cứng riêng biệt), sau đó, sẽ được đưa lên dây chuyền xử lý và thành phẩm là những hạt nhựa. Hạt này sẽ được dùng để sản xuất các bao ni lông đựng rác. Ông Trương Kiên Dũng, Tổng Giám đốc mAc, cho biết, công ty đã đầu tư, xây dựng nhà máy tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp với công suất 500 tấn/ngày, giai đoạn 1 là 313 tấn/ngày.

Tuy đã có một số doanh nghiệp tái chế hoạt động nhưng nhìn chung việc tái chế rác vẫn ở mức khiêm tốn. Hầu hết rác thải của TPHCM vẫn chôn lấp ở 2 khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh) và Phước Hiệp (Củ Chi). Đây là thách thức lớn đối với TPHCM trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020. Mong rằng từ nay đến cuối năm 2024, thành phố sẽ có nhiều đột phá trong hoạt động này để vừa bảo vệ tốt môi trường vừa tạo ra tài nguyên từ rác thải.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-gom-xu-ly-rac-theo-luat-bao-ve-moi-truong-khong-con-nhieu-thoi-gian-chuan-bi-post732702.html