Thu hẹp khoảng cách giá trị thương hiệu
Khoảng cách về giá trị thương hiệu giữa các ngân hàng Việt Nam đang có sự thu hẹp đáng kể và rất có thể làm thay đổi khái niệm 'Big 4' trong tương lai không xa.
Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu năm 2019, đáng chú ý ngân hàng Việt đã liên tục thăng hạng về giá trị thương hiệu như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank…
Tăng trưởng ấn tượng
Bản chất thương hiệu chính là uy tín về chất lượng dịch vụ mà một ngân hàng sẵn sàng cung ứng cho xã hội. Do đó, với sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống con người ngày càng được nâng cao, sự cạnh tranh về thương hiệu sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Trong bảng xếp hạng top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu do Brand Finance công bố hồi đầu năm nay, Việt Nam có 4 đại diện: VietinBank, Vietcombank, BIDV và VPBank. Trong đó, riêng VietinBank và BIDV còn được xếp trong top 10 ngân hàng có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu và tăng trưởng sức mạnh thương hiệu lớn nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn định giá thương hiệu, lĩnh vực ngân hàng có giá trị thương hiệu thay đổi nhiều nhất. Cách đây vài năm, nếu cần đến các dịch vụ tài chính – ngân hàng, người tiêu dùng nghĩ ngay đến Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV. Tuy nhiên, "định vị" của người tiêu dùng gần đây không chỉ dừng lại ở 4 ngân hàng này, mà đã có thêm nhiều tên tuổi mới. Chẳng hạn, nhắc đến ngân hàng số, khách hàng sẽ gọi ngay TPBank, ngân hàng bán lẻ sẽ là VPBank, Techcombank.
Số liệu báo cáo của Brand Finance cho thấy, thứ hạng của giá thương hiệu VietinBank tăng đến 66% so với năm 2018, từ 310 lên 242; BIDV tăng từ 351 lên 307; Vietcombank từ 368 lên 325. VPBank đang đứng thứ 361 trong top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.
Đánh giá về giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam công bố cũng cho thấy, giá trị thương hiệu của các ngân hàng tăng mạnh về thứ hạng. Vietcombank là 246,5 triệu USD (tăng 68,6 triệu USD so với năm 2018), nằm trong top 10 thương hiệu dẫn đầu trong nước. BIDV được "định giá" 148 triệu USD; thương hiệu Techcombank ở mức 141,1 triệu USD; VietinBank đạt 139,9 triệu USD và thương hiệu VPBank là 138,3 triệu USD…
Thương hiệu VPBank đang được định giá 138,3 triệu USD
"Vũ khí mới" của các ngân hàng
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc CTCP Mibrand Việt Nam, cho biết đứng trước thị trường ngày một biến động và có nhiều diễn biến mới đan xen, việc giữ vững vị thế và khẳng định tên tuổi thương hiệu sẽ ngày càng quan trọng. Chính vì vậy, nỗ lực xây dựng thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng.
Đó cũng chính là lý do khiến các ngân hàng Việt đẩy mạnh phát triển thương hiệu. Chẳng hạn, đầu năm nay, Ngân hàng Hàng Hải đã thay đổi nhận diện thương hiệu từ Maritimebank thành MSB. Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc MSB, cho biết: "Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang mang đến vô vàn cơ hội và sự thay đổi trong cuộc sống, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng. Dù đây là ngành rất đặc thù và có những chuẩn mực đặc biệt nhưng chúng tôi cũng không thể đứng yên mà phải làm mới mình trên mọi phương diện để có thể thích nghi với giai đoạn phát triển mới của xã hội. Năm 2019 được lựa chọn là thời điểm thích hợp để MSB thay đổi toàn diện từ bên trong đến bên ngoài với mục tiêu trở thành một ngân hàng thân thiện, đáng tin cậy, thấu hiểu khách hàng nhất và có tỷ suất lợi nhuận cao".
Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đức Sơn của Richard Moore nhận định, một doanh nghiệp khi phát triển thương hiệu thì kết quả cuối cùng trong dài hạn vẫn phải là doanh số, là lợi nhuận. Với các ngân hàng Việt Nam, giá trị thương hiệu tăng tỷ lệ thuận khá rõ ràng với lợi nhuận kinh doanh.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện khu vực miền Bắc của Nielsen, cho rằng một thương hiệu tốt chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Các nghiên cứu của Nielsen toàn cầu cũng cho thấy những doanh nghiệp có chỉ số sức mạnh thương hiệu tốt thường chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường.
Sau nửa năm thay đổi nhận diện thương hiệu, kết quả kinh doanh của MSB đã tăng đáng kể, lũy kế 6 tháng đầu năm có lãi trước thuế 567 tỷ đồng, tăng 192% so với cùng kỳ. Techcombank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục 5,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, Vietcombank báo lãi trước thuế là 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018…
Dù đánh giá các ngân hàng Việt có sự cải thiện nhanh chóng về sức mạnh thương hiệu, song các chuyên gia cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất rộng, để tăng sức cạnh tranh với các ngân hàng ngoại ngay trên "sân nhà" cũng như tự tin "mang chuông đi đánh xứ người", các ngân hàng Việt phải cố gắng nhiều hơn nữa, để duy trì được sức mạnh thương hiệu và mức độ gắn kết khách hàng.
"Ngân hàng không chỉ là một doanh nghiệp, mà còn là đại diện cho nền kinh tế và uy tín của một quốc gia. Vì vậy, việc thương hiệu của những ngân hàng Việt Nam, dù là ngân hàng thương mại nhà nước hay tư nhân, được đánh giá cao là rất quan trọng", một chuyên gia nhận định.