Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa khởi động Chương trình sáng kiến nâng cao khả năng chống chịu của các doanh nghiệp (DN) để đối phó với dịch bệnh, thiên tai và ra mắt trang mạng hỗ trợ DN ứng phó dịch Covid-19. Tương tự, gần đây, nhiều tổ chức nghiên cứu uy tín trong nước cũng tiến hành các cuộc khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội để từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa khởi động Chương trình sáng kiến nâng cao khả năng chống chịu của các doanh nghiệp (DN) để đối phó với dịch bệnh, thiên tai và ra mắt trang mạng hỗ trợ DN ứng phó dịch Covid-19. Tương tự, gần đây, nhiều tổ chức nghiên cứu uy tín trong nước cũng tiến hành các cuộc khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội để từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đặt ra trong năm 2020 đầy biến động là nhờ phản ứng nhanh của Chính phủ trong công tác điều hành. Cụ thể, ngay khi xác định dịch Covid-19 sẽ bùng phát mạnh, tác động tiêu cực, toàn diện đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, Chính phủ đã chủ động ban hành các gói kích thích kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh và biến động của thị trường, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước. Thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ cũng chủ động dùng các nguồn lực nhà nước hướng đến hỗ trợ DN, người lao động bị tác động tiêu cực từ đại dịch và bảo đảm an sinh xã hội. Linh hoạt đề xuất chuyển các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công nhằm đẩy mạnh nguồn lực động lực đầu tư công bù đắp cho tăng trưởng. Tùy vào kết quả chống dịch trên "mặt trận y tế", Chính phủ kịp thời nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa thị trường trong nước, không để sản xuất đình trệ, tê liệt. Ðây là hệ thống các gói giải pháp khá đồng bộ, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, giúp nền kinh tế nâng cao khả năng thích ứng trước khủng hoảng.

Tuy nhiên, những hạn chế trong thiết kế chính sách và khâu triển khai thực hiện đã khiến tác động của các chính sách hỗ trợ chưa được như kỳ vọng. Ðơn cử, gói 16 nghìn tỷ đồng cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ban hành từ tháng 4 nhưng đến tháng 10 vẫn chưa có DN nào tiếp cận được. Sau khi sửa đổi, đến cuối tháng 11 cũng chỉ có 75 DN được vay để trả lương cho khoảng 3.800 công nhân. Con số này chỉ "như muối bỏ bể" khi trung bình mỗi tháng, cả nước có 5.000 DN phải rời bỏ thị trường, ba quý đầu năm có gần 32 triệu người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Theo kết quả khảo sát của Trường đại học Kinh tế quốc dân, khoảng 80% DN được điều tra cho biết họ không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Nguyên nhân vì quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp; thông tin không minh bạch. Các DN cũng đánh giá việc hỗ trợ còn mang tính cầm chừng; mức độ hỗ trợ ít hơn nhiều so thiệt hại thực tế của DN; thời gian thụ hưởng hỗ trợ là quá ngắn so nhu cầu và tình hình hoạt động của DN...

Để các gói hỗ trợ cho người dân và DN có hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo Chính phủ cần thu hẹp khoảng cách giữa việc ban hành chính sách hỗ trợ và thực thi. Theo đó, cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập và hiệu quả thật sự của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính khả thi của chính sách khi được ban hành. Thiết kế chính sách cần thực tế hơn với thủ tục đơn giản, phân loại đối tượng cần trúng hơn để nâng cao tỷ lệ giải ngân. Muốn vậy, phải xây dựng được hình thức hỗ trợ phù hợp với từng ngành, từng DN, trong đó ưu tiên các DN đổi mới sáng tạo, DN có ngành nghề kinh doanh mới, DN chịu tác động trực tiếp nhưng có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Quan trọng hơn, các giải pháp hỗ trợ cần có tính hệ thống và dài hạn, có tác động đủ lớn để DN đứng dậy chớp thời cơ phục hồi trong tương lai.

Tô Hà

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/thu-hep-khoang-cach-tu-chinh-sach-den-thuc-thi-629864/