Thu hẹp khoảng cách về sức mạnh kinh tế giữa EU và Mỹ

Trái ngược với các dự báo, nền kinh tế châu Âu từ đầu năm đến nay có những chuyển biến tích cực, trong khi nền kinh tế Mỹ gặp một số bất trắc. Điều này phần nào làm thu hẹp khoảng cách chênh lệch sức mạnh nền kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Pháp. Ảnh: Expatica

Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Pháp. Ảnh: Expatica

Nhiều diễn biến tiêu cực của nền kinh tế Mỹ

Ở thời điểm kết thúc năm 2023, kinh tế khu vực đồng euro (Euro zone) đã ở bên bờ vực của sự suy thoái. Giới chuyên gia khi đó nhìn nhận, tình hình kinh tế không có “điểm sáng” để khơi nguồn những triển vọng tăng trưởng, đặc biệt là ở Pháp và Đức - hai quốc gia được ví là “đầu tàu” của EU.

Bước sang năm 2024, nhiều dự báo còn cho rằng, sức mạnh kinh tế của châu Âu trong năm nay sẽ suy giảm dần so với Mỹ. Tình hình thực tế cho thấy, đến quý II, tăng trưởng kinh tế của EU tiếp tục duy trì ở mức ổn định.

Tuy nhiên, khu vực đã có những chuyển biến tích cực đáng kể giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch về sức mạnh nền kinh tế giữa châu Âu và Mỹ. Theo đó, hoạt động kinh tế của EU đã thể hiện sự tăng tốc ngoài dự đoán. Trong tháng 8, tốc độ gia tăng các hoạt động kinh tế đạt mức cao nhất của 3 tháng và là tháng thứ 6 liên tiếp.

Bình luận từ giới chuyên gia cho hay, việc EU thu hẹp khoảng cách về sức mạnh kinh tế với Mỹ cũng có nguyên nhân đáng kể từ việc nền kinh tế Mỹ gặp bất trắc. Nhiều chuyên gia nhận định, bước sang năm 2024, trái ngược với EU, nền kinh tế Mỹ có nhiều “điểm sáng”, tạo ra triển vọng rất lạc quan, thậm chí còn được nhìn nhận là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bất trắc đầu tiên đến với nền kinh tế Mỹ khi dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 của Mỹ tăng vọt lên ngưỡng 4,3%, tăng tháng thứ 4 liên tiếp. Một điểm đáng chú ý của nền kinh tế Mỹ những tháng qua là việc một loạt doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ, tài chính, giải trí, cũng như các tập đoàn khổng lồ thông báo sa thải lượng lớn nhân sự. Yếu tố này đã tác động mạnh đến tâm lý lo ngại về sự suy yếu tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ.

Trong tháng 7, số liệu do Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố cho thấy, hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất của 8 tháng, nhấn mạnh về những khó khăn mà ngành sản xuất nội địa đang phải đối mặt.

Trong những tháng qua, nền kinh tế Mỹ liên tục có nhiều thông tin tiêu cực, tạo nên những phản ứng suy yếu đáng ngại. Điển hình là vào đầu tháng 8, thị trường chứng khoán Mỹ đã “lao dốc” với cả 3 chỉ số chính trên sàn giao dịch chứng khoán Phố Wall. Trong đó, Nasdaq trở thành chỉ số đầu tiên rơi vào trạng thái điều chỉnh, chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 5,7% và 3,9% - mức giảm theo ngày lớn nhất trong gần 2 năm.

Cùng với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023, do nhà đầu tư ồ ạt mua trái phiếu nhằm tìm kiếm kênh đầu tư an toàn. Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang khó khăn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể mắc sai lầm trong mục tiêu đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”.

Châu Âu cần hành động nhanh hơn Mỹ

Trái ngược với nhiều đồn đoán, các dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy, nền kinh tế của siêu cường này không thực sự suy yếu như những lo ngại. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/8, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong quý II, cao hơn ước tính là mức 2,8% đưa ra trước đó và gần gấp đôi mức tăng trưởng 1,6% của quý I. Nguyên nhân của mức tăng trưởng này đến từ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo.

Một báo cáo khác do Chính phủ Mỹ công bố cũng khẳng định, không có sự thay đổi nhiều về số lượng đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu, ở mức 231.000 đơn; lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng USD đều tăng. Những yếu tố này đã củng cố cho nội lực, tạo ra niềm tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ ổn định tốc độ tăng trưởng bền vững từ nay đến cuối năm và trong giai đoạn đầu năm 2025.

Tại châu Âu, trước tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục, ngay từ năm 2019, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố chấm dứt giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Đến tháng 9/2023, sau 10 lần tăng liên tiếp, lãi suất của ECB chạm kỷ lục là 4% và duy trì ngưỡng cao này tới tháng 6/2024, khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực bất ngờ thông báo hạ 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất chủ chốt về ngưỡng 3,75%.

Trái ngược với ECB, trong giai đoạn đầu của lạm phát, Fed giữ quan điểm đó chỉ là tình huống ngắn hạn và tuyên bố không can thiệp vào thị trường, với mục tiêu là để giữ cho nền kinh tế ổn định phục hồi sau đại dịch. Dẫu vậy, việc lạm phát cao dai dẳng đã buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải xem xét lại kế hoạch và tiến hành nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2022. Từ thàng 7/2023 đến nay, mức lãi suất kỷ lục khoảng 5,25 - 5,5%.

Giới chuyên gia cho rằng, cách thức điều chỉnh chính sách tiền tệ của ECB và Fed đều lựa chọn các giải pháp tương tự nhau, nhưng có khoảng cách về thời điểm thực hiện. Trong những năm qua, kinh tế châu Âu đã chịu tác động nặng hơn so với kinh tế Mỹ, bởi bất ổn an ninh ở “lục địa già” gây nên khủng hoảng năng lượng và lương thực. Thực tế đó khiến ECB phải hành động nhanh hơn, trong khi Mỹ có thể trì hoãn dựa trên sự mạnh mẽ vốn có của nền kinh tế trong nước.

Cũng theo nhận định của giới chuyên gia, nền kinh tế Mỹ thực tế đang xuất hiện những dấu hiệu giảm tốc. Những đồn đoán đều cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng này để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời dự đoán ECB sẽ có ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay. Theo giới chuyên gia, Fed có khả năng hạ lãi suất 3 lần, mỗi lần khoảng 25 điểm cơ bản, xuống mức 4,5 - 4,75% vào cuối năm 2024.

Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell: “Fed có thể sẽ có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, khi lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể và thị trường lao động cũng trở lại mức bình thường, với các điều kiện hiện tại đã bớt chặt chẽ hơn so với trước đại dịch. Các hạn chế về nguồn cung đã được bình thường hóa. Và sự cân bằng rủi ro đối với hai nhiệm vụ của chúng tôi (giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế) đã thay đổi”. Ông Olli Rehn, thành viên Hội đồng Điều hành ECB, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan cho biết, nguy cơ tăng trưởng yếu tại Euro zone đang củng cố khả năng ECB tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách trong tháng này, nếu cuộc chiến chống lạm phát vẫn đạt tiến triển.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-hep-khoang-cach-ve-suc-manh-kinh-te-giua-eu-va-my-post480417.html