Thu hoạch lúa trà muộn ở vùng cao

ĐBP - Thời gian này, khi vùng lòng chảo và một số diện tích lúa trà sớm đã thu hoạch xong, đối với trà muộn ở các xã vùng ngoài như: Mường Phăng, Pá Khoang (huyện Ðiện Biên); Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) và địa bàn các huyện vùng cao: Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Nậm Pồ... nông dân mới tập trung thu hoạch lúa vụ mùa.

Người dân bản Kê Nênh, xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) thu hoạch lúa trà muộn vụ mùa 2019.

Diện tích gieo cấy lúa trà muộn vụ mùa 2019 của toàn tỉnh là 4.989,62ha (chiếm 25,92% tổng diện tích); năng suất bình quân ước đạt 51,45 tạ/ha. Ðối với lúa nương, diện tích gieo cấy trên 25.600ha (thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.224ha); diện tích thu hoạch đạt trên 10.300ha, năng suất bình quân đạt 14 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 14.000 tấn. Qua theo dõi của cơ quan chuyên môn, tình hình dịch hại trên lúa trà muộn chủ yếu là sâu cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy, bạc lá vi khuẩn tiếp tục gây hại nhẹ; bọ xít dài, bệnh đạo ôn lá, khô vằn, hạt lép có xu hướng tăng nhẹ trên những diện tích sắp thu hoạch không tiến hành phòng trừ (huyện Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Tủa Chùa). Ngoài ra có sâu đục thân, sâu cắn gié... gây hại nhẹ.

Ðể bảo vệ diện tích lúa mùa trà muộn đang cho thu hoạch và chuẩn bị sản xuất vụ đông, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án tối ưu để phòng trừ sâu bệnh và chuột hại cuối vụ trên diện tích lúa muộn. Với diện tích lúa trà muộn đã chín, tập trung thu hoạch nhanh, gọn, giải phóng đất và cày lật đất sớm để trồng cây vụ đông. Với diện tích chưa cho thu hoạch, cần kiểm tra, giám sát đồng ruộng, tập trung theo dõi sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng, trừ kịp thời, đặc biệt cảnh giác với sâu cắn gié và đạo ôn cổ bông.

Vụ này, xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) gieo cấy 53ha lúa, trong đó có 30ha lúa mùa muộn gồm các giống RVT, nếp, Bắc Hương. Năm nay thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh nên năng suất đạt cao, ước tính 55 tạ/ha. Ðến ngày 23/10, toàn xã đã thu hoạch hơn 60% tổng diện tích. Anh Ngô Văn Thành, cán bộ khuyến nông xã Tà Lèng cho biết: Do điều kiện địa hình cao, khí hậu lạnh nên lúa chín chậm. Tuy cùng thời vụ với các xã, phường trong thành phố và vùng lòng chảo Mường Thanh nhưng khi ruộng ở lòng chảo đã gặt xong cách đây cả tháng thì người dân vùng này mới bước vào mùa gặt. Dù cùng địa bàn xã nhưng lại có sự chênh lệch rõ rệt giữa các bản vùng cao và vùng thấp. Bản Tà Lèng người dân đã thu hoạch xong lúa vụ mùa còn lại các trà lúa muộn tập trung ở 2 bản Kê Nênh và Nà Nghè được người dân gieo cấy trên các chân ruộng bậc thang. Có thể nói, khai hoang ruộng bậc thang là một bước tiến quan trọng trong phương thức canh tác của bà con nơi đây. Từ gieo trồng 1 vụ, bà con đã gieo cấy được 2 vụ lúa trên ruộng bậc thang; xen canh gối vụ trồng ngô, đậu, đỗ; tăng hệ số sử dụng đất lên rất nhiều. Vì vậy, đời sống người dân nơi đây dần được nâng lên.

Anh Ngô Văn Thào, bản Kê Nênh, xã Tà Lèng cho biết: Vụ mùa 2019, gia đình có gần 3.000m2 lúa, chủ yếu là giống lúa Bắc Hương, nếp... Nhờ tuân thủ đúng lịch gieo cấy theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, tích cực thăm lúa nên diện tích lúa phát triển tốt. Do canh tác trên ruộng bậc thang nên việc thu hoạch chủ yếu là dùng sức người. Ðể thu hoạch kịp thời vụ, tôi và người dân trong bản luân phiên đổi công cho nhau nhờ đó diện tích lúa của gia đình tôi chỉ trong 1 ngày là gặt xong.

Hiện nay nông dân gieo cấy lúa trà muộn trên địa bàn toàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch, phấn đấu đến hết tháng 11/2019 thu hoạch xong.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/173359/thu-hoach-lua-tra-muon-o-vung-cao