Thu học phí cao hơn năm trước, trường phải hoàn trả phần chênh lệch cho sinh viên
Trường hợp đã thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức thu học phí năm học trước, thực hiện hoàn trả phần chênh lệch cho sinh viên hoặc giảm trừ vào kỳ thu tiếp theo.
Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có văn bản số 694/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp công lập về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20-12-2022 của Chính phủ.
Theo văn bản, thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20-12-2022 của Chính phủ về học phí của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023 và ý kiến của một số địa phương, cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí năm học 2022-2023 theo đúng mức thu quy định tại Nghị quyết số 165/NQ-CP kể từ thời điểm bắt đầu năm học 2022-2023.
Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập đã thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, cần điều chỉnh lại mức học phí theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 165/NQ-CP và công bố công khai.
Trường hợp đã thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức thu học phí năm học 2021-2022, thực hiện hoàn trả phần chênh lệch cho sinh viên hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, trường hợp Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành mức thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức thu học phí năm học 2021-202, đề nghị địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí đối với học sinh bằng mức thu học phí năm học 2021-2022, hoàn trả phần chênh lệch thu cao hơn cho học sinh hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương để đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022 cho các cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát việc cấp bù học phí theo mức học phí năm học 2021-2022. Cụ thể, đối với việc cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục công lập có người học là đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí, trong trường hợp cơ sở giáo dục công lập đã được cấp bù học phí năm học 2022-2023 theo mức quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, phần chênh lệch sẽ giảm trừ trong lần giao dự toán tiếp theo hoặc hoàn trả lại ngân sách Nhà nước.
Đối với việc cấp tiền miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở giáo dục thuộc doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức kinh tế: trong trường hợp người học đã được chi trả tiền miễn, giảm học phí năm học 2022-2023 theo mức quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, phần chênh lệch sẽ giảm trừ vào kỳ tiếp theo.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 165, nhiều trường đại học đã thực hiện việc điều chỉnh mức thu học phí về mức thu của năm ngoái. Tuy nhiên, một số trường ĐH lần đầu tiên áp dụng cơ chế tự chủ tài chính, thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình lại có cách làm khác nhau.
Đơn cử, ĐH Luật TP.HCM từng thông báo mức thu học phí rất cao cho khóa tuyển sinh 2022-2023 nhưng nay đã điều chỉnh về lại mức thu của năm trước.
Trong khi đó, hai Trường ĐH thuộc ĐHQG TP.HCM là Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH KHTN (ĐH quốc gia TPHCM) lại chỉ thực hiện điều chỉnh giảm học phí cho SV năm 2 3,4. Riêng SV năm nhất, là lứa SV đầu tiên mà trường thực hiện tự chủ thì không được giảm học phí. Trường vẫn áp mức học phí mới như đã công bố trước đó.