Thu hồi các ô đất quy hoạch trường học bị 'treo' nhiều năm: Không thể chậm trễ!
Thời gian qua, việc thiếu hạ tầng tại các khu đô thị (KĐT) tại Hà Nội đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành TP phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, nhất là đối với các ô đất quy hoạch trường học bị “treo” nhiều năm nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh bức thiết.
Nhiều hệ lụy
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội, trên địa bàn TP đang triển khai 266 dự án KĐT, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (chiếm 63%). Đặc biệt là thiếu hạ tầng xã hội như sân chơi, vườn hoa, trường học, bệnh viện trong KĐT đã kéo theo rất nhiều hệ lụy.
KĐT mới Trung Văn, quận Nam Từ Liêm được khởi công từ năm 2010 với các khu nhà cao tầng, thấp tầng, biệt thự và khu công viên thể thao. Từ năm 2012, chủ đầu tư đã bắt đầu bán nhà cho dân về ở nhưng đến nay 6.000m2 đất dự kiến xây dựng 3 tầng hầm đỗ xe, phía trên là công viên thể thao vẫn chưa được triển khai, hiện đang quây tôn, tạo ra sự nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm giữa KĐT. Còn KĐT Nam đường 32 đi vào hoạt động đã lâu, đến nay dù có nhiều cư dân sinh sống, song hệ thống đường sá vẫn chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng cứ mưa to là ngập nước, khiến việc đi lại của cư dân rất bất tiện.
Đáng chú ý, nhiều KĐT mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà để bán mà bỏ quên xây trường học. Thậm chí, nhiều khu nhà ở cả chục năm nay nhưng đất được quy hoạch xây trường học vẫn bỏ hoang. Cụ thể, khu nhà ở Đài Phát thanh phát sóng Mễ Trì bao gồm 8 khối tòa nhà cao 21 tầng xây trên khu đất 21ha đã được đưa vào hoạt động từ năm 2016 - 2017. Theo quảng cáo, trong dự án tại đây có trường mẫu giáo, trường học liên cấp quốc tế... tuy nhiên đến nay chưa thấy trường học nào.
Hay như tại KĐT Đoàn ngoại giao với quy mô 62,8ha, dân số toàn khu là 9.700 người được đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay vẫn chưa có trường học. Tương tự, dự án KĐT Thành phố giao lưu với quy mô rộng 95ha, chủ đầu tư đã triển khai hàng chục năm nay nhưng ở các khu đất xây trường học chậm xây dựng so kế hoạch cam kết ban đầu.
Đặc biệt, 7 ô đất diện tích gần 8ha được quy hoạch xây dựng trường học trong các KĐT tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chậm triển khai gần 20 năm qua, gây lãng phí nguồn lực đất đai, trong khi trẻ em ở đây hiện đang thiếu trường học.
Ông Trần Đức Hậu - cư dân KĐT Tây Nam Linh Đàm cho hay, nhu cầu đi học trường công lập của con em cư dân rất lớn nhưng không có trường lớp để học.
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc hơn 700 phụ huynh học sinh mầm non phải bốc thăm để có chỗ cho con trong trường công lập gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Do đó, tại nhiều cuộc họp của phường, quận, cư dân đều mong mỏi đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp tháo gỡ để sớm triển khai xây dựng trường công lập trên diện tích các khu đất của chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị HUD được quy hoạch xây dựng trường học nhưng bỏ hoang nhiều năm nay.
Quyết liệt lập kế hoạch khắc phục
Trước nghịch lý có đất quy hoạch làm trường học mà chủ đầu tư lại bỏ hoang, gây áp lực cho ngành giáo dục, cử tri Thủ đô đã nhiều lần chất vấn về trách nhiệm, giải pháp kèm thời gian cụ thể với các sở, ngành, quận, huyện và lãnh đạo UBND TP về việc xử lý dứt điểm tình trạng này.
Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP về vấn đề này mới đây, những câu hỏi thẳng thắn của các đại biểu đại diện cho ý kiến cử tri đã được gửi tới những người chịu trách nhiệm. Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và khẳng định có sự buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư dự án của các sở, ngành trong thời gian qua.
Về các giải pháp cụ thể, Chủ tịch UBND TP cho biết, đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chỉ tiêu riêng về trường học cho quận Hoàng Mai và một số địa bàn có mật độ dân cư đông đúc.
“Phải điều chỉnh tỷ lệ trường công, trường tư và xem xét đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học” - Chủ tịch UBND TP khẳng định, đồng thời cho biết, chính quyền TP Hà Nội sẽ quyết liệt lập kế hoạch nhằm khắc phục những tồn tại với những giải pháp cụ thể, khả thi, giải quyết hài hòa các lợi ích, nhất là quyền lợi của cộng đồng dân cư.
Trước mắt, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, thu hồi các lô đất dự án chậm triển khai để ưu tiên xây trường học, bệnh viện... Sở TN&MT đã cùng các quận, huyện vào cuộc, kết quả là rà soát được 130 dự án phải bàn giao với 314 lô đất, tổng diện tích 249ha.
Các quận, huyện có nhu cầu sử dụng các lô đất này để xây trường học cần báo cáo UBND TP để được bàn giao. Với các lô đất chưa bàn giao do chưa GPMB và chưa xong hạ tầng kỹ thuật, trong thời gian tới, các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ GPMB; chủ động đầu tư theo nguồn vốn ngân sách...
Bàn về giải pháp lâu dài, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đối với các KĐT mà tốc độ xây trường học chậm hơn tốc độ xây dựng nhà ở và gia tăng dân số, cần thanh tra, giám sát để có biện pháp xử lý.
Trong thể chế đã quy định, một KĐT phải đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thì mới được khai thác sử dụng. Nếu chủ đầu tư xây dựng nhà trước để bán thu lợi nhuận trước và đưa ra các lý do chưa xây trường học thì không chỉ thu hồi mà còn phải xử phạt. Thực hiện nghiêm chế tài về quy hoạch và xây dựng để các chủ đầu tư khác thấy được trách nhiệm đối với xã hội.
Để giải bài toán khó về quỹ đất xây trường học, nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền TP Hà Nội cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án. Kiên quyết thu hồi các dự án thiếu hoặc tìm cách “lách” không xây trường học. Thậm chí không cấp phép đi vào hoạt động đối với các KĐT chưa hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội trong đó có trường học.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nội, một điểm bất cập là Hà Nội chưa ban hành quy trình bàn giao hạ tầng các KĐT, không có quy định về thời điểm bàn giao hạ tầng trong bối cảnh nhiều dự án đều vừa xây dựng, vừa đón dân về ở. Bên cạnh đó cũng không có quy định về điều kiện hạ tầng như thế nào mới được bàn giao nhà ở cho dân. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án chậm bàn giao hạ tầng như hiện nay.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-the-cham-tre-698344.html