Thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện và thẩm quyền để ngăn ngừa lạm dụng
Quá trình thu hồi đất đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho phát triển đô thị và công bằng xã hội. Điều 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là rất rộng. Đây là nhấn mạnh của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước), Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận sáng nay 14-11 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, luật cần quy định cụ thể, như trước đây sửa luật doanh nghiệp năm 2014 từ quan điểm: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật cho phép”, thành quan điểm: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”.
Từ quan điểm như vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cần xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù. Cần quy định lại và làm rõ: nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá Nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm.
Nếu thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường và thỏa thuận với dân, và việc làm này do chủ đầu tư trực tiếp làm, chính quyền không được làm rồi giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay nảy sinh rất nhiều khiếu kiện kéo dài mà nhà nước phải đang gồng mình khắc phục, xử lý.
Qua khảo sát cho thấy, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường; khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30-60% giá đất thị trường tại mỗi địa phương tương ứng.
Như vậy, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện và thẩm quyền, vì hiện nay có không ít trường hợp bị lạm dụng. Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng; Quốc phòng ở đây cũng phải quy định rõ, không quy định chung chung, khu vực nào là Quốc phòng, khu vực nào là kinh doanh… Việc thu hồi đất vì mục đích phúc lợi công cộng cũng phải rõ, riêng giao đất cho khu kinh tế vì kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường… Đồng thời phải làm rõ, phương pháp xác định giá đất khi thu hồi: đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất, bất động sản hình thành trong tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư. Cần xác định nguyên tắc định giá của phương pháp này để làm nguyên tắc xây dựng, sửa đổi Luật.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thực tế cho thấy, mặc dù đối tượng thu hồi là đất do nhà nước quản lý nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm về quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến đất bị thiệt hại, liên quan đến sinh kế.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng về phố cổ Hà Nội hiện nay cho thấy, việc người dân chen chúc tạm bợ, chật chội ở trong các căn nhà vài mét vuông, không phải là do thiếu chỗ ở tốt hơn… mà chính là vì sinh kế, là việc làm…
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cần quy định thêm là người dân, tổ chức khi bị thu hồi đất ngoài được bồi thường theo quy định cần xem xét hỗ trợ thêm… Người dân thì hỗ trợ vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…; còn tổ chức - doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ tương ứng khi họ đã hy sinh di dời cho sự phát triển… Có như vậy, chúng ta mới thực hiện đúng mục tiêu “chỗ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”.
Về “hạn điền”, dự thảo luật đưa ra 2 phương án: phương án 1, nới rộng hơn 10 lần so với quy định của Luật Đất đai 2013 về hạn điền; phương án 2, bỏ quy định về “hạn điền”.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, cả 2 phương án này đều có những tác động tích cực và tiêu cực. Đối với trường hợp tích tụ đất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp, hiện người dân chưa được hỗ trợ trong việc này dẫn đến phát triển manh mún, không cạnh tranh được trong giá thành sản phẩm… Vì vậy, người dân muốn tăng hạn điền lên mức 15-20 lần thì mới đủ điều kiện để đầu tư phát triển nông nghiệp. Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ hạn điền. Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn…
Đối với bỏ quy định về hạn điền, để tích tụ ruộng đất là cần thiết nhưng làm phải thận trọng và có thời gian, không nên vội vàng bởi có thể gây ra xáo trộn hoặc hiện tượng đầu cơ đất.
Vì vậy, từ nay đến khi dự án luật được thông qua, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ hơn cả 2 phương án để làm cơ sở vững chắc trước khi quyết định thông qua…