Thu hồi đất ở Bạc Liêu: Có người nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề cao hơn tiền bồi thường về đất

Nông dân bị thu hồi đất ở Bạc Liêu có người được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề đến 2,1 tỷ đồng, số vài trăm triệu đồng khá đông.

Tiếp tục tìm hiểu thực tiễn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân bị thu hồi đấtBạc Liêu, phóng viên PLO ghi nhận nhiều trường hợp được hỗ trợ chuyển đổi nghề vài trăm triệu đồng/hộ. Thậm chí có những trường hợp tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cao hơn tiền bồi thường về đất.

Mức hỗ trợ chuyển đổi nghề cao

Sau khi PLO đăng bài "Bạc Liêu: Một người dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất hơn 2,1 tỷ đồng", nhiều bạn đọc nhắn tin, gọi điện yêu cầu tìm hiểu mở rộng xem việc này có phổ biến hay chỉ là cá biệt.

 Đất của ông Đồng cũng giáp lộ nhựa và có diện tích như đất ông Tạo nhưng do cho thuê mướn, không trực tiếp sản xuất nên không được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ảnh: TRẦN VŨ

Đất của ông Đồng cũng giáp lộ nhựa và có diện tích như đất ông Tạo nhưng do cho thuê mướn, không trực tiếp sản xuất nên không được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ảnh: TRẦN VŨ

Tìm hiểu tại một số dự án thu hồi đất làm đường tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, phóng viên ghi nhận nhiều trường hợp nông dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề vài trăm triệu đồng/hộ.

Tại dự án thu hồi đất để làm đường giao thông từ Cầu Tư Cồ đến chùa Linh Ứng, huyện Đông Hải, giai đoạn 1 có 40 hộ dân bị thu hồi đất thì có 6 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trong đó, hộ thấp nhất được nhận 107 triệu đồng, hộ cao nhất đến hơn 463 triệu đồng. Dự án này triển khai thực hiện cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Cụ thể, tại ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải có hộ ông Hứa Văn Hòa, bị thu hồi gần 1.700 m2, được hỗ trợ chuyển đổi nghề 107 triệu đồng. Hộ được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề cao nhất tại dự án này là ông Phạm Văn Tiến (ấp Diêm Điền, xã Điền Hải) bị thu hồi hơn 4.400 m2, được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề hơn 463 triệu đồng.

Còn tại dự án thu hồi đất làm cầu Gành Hào, phía địa bàn huyện Đông Hải, triển khai cuối năm 2022, đầu năm 2023 có 8 hộ dân bị thu hồi đất thì có 5 hộ được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trong đó, hộ được nhận hỗ trợ cao nhất là Trần Công Tạo, bị thu hồi hơn hơn 1,1 ha đất nông nghiệp và được hỗ trợ chuyển đổi nghề đến 2,1 tỷ đồng.

Đây là tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cho vợ ông Tạo (vì những người khác trong gia đình không thuộc diện được hỗ trợ). Đây là mức hỗ trợ chuyển đổi nghề được người dân địa phương bình luận là cao kỷ lục.

Người dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại dự án làm đường Tư Cồ - Linh Ứng được hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân là 93.000 đồng cho mỗi mét vuông đất bị thu hồi.

Đặc biệt, có nhiều hộ nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề khi bị thu hồi đất cao hơn cả tiền bồi thường về đất.

Cụ thể, tại dự án thu hồi đất làm đường Cầu Tư Cồ - Chùa Linh Ứng, hộ ông Phạm Văn Chiến bị thu hồi gần 1.500 m2, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề là 144 triệu đồng, trong khi tiền bồi thường về đất chỉ là 100 triệu đồng.

Hộ Tô Văn Gó được bồi thường về đất là 185 triệu nhưng được hỗ trợ chuyển đổi nghề đến 212 triệu đồng. Hộ Trần Việt Kháng nhận bồi thường về đất 105 triệu đồng, nhưng hỗ trợ chuyển đổi nghề đến gần 163 triệu đồng. Hộ ông Phạm Văn Tiến nhận tiền bồi thường đất 300 triệu nhưng tiền hỗ trợ chuyển nghề đến 463 triệu đồng...

Người cho thuê đất có thể mất tiền tỷ

Trái lại, cũng là bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng nhiều hộ dân không được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề. Như hộ ông Nguyễn Văn Đồng, bị thu hồi đất với diện tích gần bằng ông Trần Công Tạo, có các vị trí giáp lộ tương tự như hộ ông Tạo, nhưng không được hỗ trợ đào tạo nghề.

 Phần đất ông Tạo bị thu hồi giáp lộ nhựa Phan Ngọc Hiển. Ảnh: TRẦN VŨ

Phần đất ông Tạo bị thu hồi giáp lộ nhựa Phan Ngọc Hiển. Ảnh: TRẦN VŨ

Lý do hộ ông Đồng không được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề vì ông cho người khác thuê, không trực tiếp sản xuất.

Hay hộ ông Nguyễn Minh Tâm, bị thu hồi đất nông nghiệp làm dự án Cầu Gành Hào cũng không được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề, do không có thu nhập thường xuyên. Theo ông Tâm, ông không cho thuê mướn, chỉ thả tôm cua nuôi tự nhiên và không có thu nhập thường xuyên trên mảnh đất bị thu hồi.

Giải thích về mức hỗ trợ chuyển đổi nghề "đỉnh cao" tại hai dự án nói trên, lãnh đạo UBND huyện Đông Hải khẳng định là thực hiện đúng theo quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Luật đất đai 2013 và được hướng dẫn tại Thông tư 37/2014/TT - BTNMT.

Luật đất đai 2013, các nghị định liên quan và Thông tư 37/2014/TT - BTNMT cho phép các địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân bị thu hồi đất bằng tối đa là 5 lần giá đất nông nghiệp tại địa phương. Tỉnh Bạc Liêu chỉ áp dụng hỗ trợ 2 lần giá đất nông nghiệp tại địa phương đã ra những khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề cao như trên.

Có người tố cáo mức hỗ trợ

Theo nguồn tin của PLO, Công an tỉnh Bạc Liêu đã có thông báo tiếp nhận đơn tố giác của một người dân về việc áp dụng hệ số K bằng 38 khi bồi thường về đất.

Theo thông báo của công an, trong đơn tố giác, người đứng đơn cho rằng Chủ tịch huyện Đông Hải đã ban hành Quyết định số 4334/QĐ-UBND ngày 10-10-2023, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Cầu Tư Cồ đến Chùa Linh Ứng là giá khống, do một Công ty tư nhân tư vấn.

Còn nguyên trưởng phòng TN&MT huyện bị tố là "không kiểm tra, xác minh" để Công ty tư vấn thông đồng với một số cán bộ xã Điền Hải lập phiếu thu thập thông tin, điều tra giá đất khống.

Hồi cuối tháng 4-2024, trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch huyện Đông Hải cho hay là làm đúng pháp luật về xác định giá bồi thường và mong công an sớm làm rõ.

Trần Vũ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-hoi-dat-o-bac-lieu-co-nguoi-nhan-ho-tro-chuyen-doi-nghe-cao-hon-tien-boi-thuong-ve-dat-post791945.html