Thu hồi được 20.405 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, kết quả thi hành án dân sự năm 2023 có số tiền thu hồi được cao nhất từ trước đến nay, trong đó thu hồi từ án tham nhũng là 20.405 tỷ đồng.
Thực hiện trực tuyến liên thông đối với 2 nhóm thủ tục hành chính
Chiều 19/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý III/2023. Ông Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp chủ trì buổi họp báo.
Thông tin một số kết quả công tác tư pháp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong quý III/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong đó, công tác tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được chú trọng thực hiện, Bộ Tư pháp đã trình 6/6 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
Cụ thể gồm: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; các Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; Báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp; Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các bộ, ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để cho ý kiến, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt là phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật được tiếp tục tập trung thực hiện. Bộ đã tham mưu thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương về công tác này, đặc biệt, đã tham mưu và tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại các khu vực.
Vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
Đáng quan tâm, thông tin tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, kết quả thi hành án dân sự năm 2023 cả về việc và tiền đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng mạnh so với năm 2022.
Cụ thể, về việc, đã thi hành xong 574.819 việc, tăng 36.189 việc (tăng 6,72%) so với cùng kỳ; đạt tỉ lệ 83,25% (tăng 0,75% so với cùng kỳ), cao hơn 0,75% so với chỉ tiêu của Ban cán sự đảng giao (trên 82,50%).
Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.412 tỷ đồng, tăng hơn 14.376 tỷ đồng (tăng 19,16%) so với cùng kỳ; đạt tỉ lệ 46,78% (tăng 1,24% so với cùng kỳ), cao hơn 1,28% so với chỉ tiêu của của Ban cán sự đảng giao (trên 45,50%).
Đặc biệt, kết quả thi hành án kinh tế, tham nhũng trong 12 tháng năm 2023, đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) thu được hơn 20.405 tỷ đồng; đạt tỉ lệ 67,10% về việc và 41,11% về tiền.
“Đây là năm có số tiền thu hồi được cao nhất từ trước đến nay, trong đó thu hồi từ án tham nhũng là 20.405 tỷ đồng, cũng là con số thu hồi được từ án tham nhũng cao nhất”, ông Nguyễn Văn Lực cho biết.
Để có được kết quả này, theo ông Lực, Tổng cục Thi hành án dân sự đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra để “tự soi, tự sửa”, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Ông Lực cũng cho hay, từ Chỉ thị 04 của Ban Bí thư, công tác thi hành án dân sự đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Bộ Tư pháp cũng coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo, chính quyền các địa phương cũng rất quan tâm…
Thực hiện trực tuyến liên thông đối với 2 nhóm thủ tục hành chính
Bên cạnh đó, cũng theo Chánh Văn phòng Đỗ Xuân Quý, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế trong một số lĩnh vực, như: Tham mưu xây dựng, trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác. Công tác thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý… được chú trọng thực hiện. Việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực này được thực hiện kịp thời.
Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cả nước đã thụ lý 6.396 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (trong đó có: 4.510 vụ việc bào chữa, 1.886 vụ việc bảo vệ) và có 3.867 vụ việc kết thúc (trong đó 2.607 vụ việc bào chữa, 1.260 vụ việc bảo vệ). Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên.
Việc triển khai Đề án số 06 được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Bộ Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án; hoàn thiện các tính năng kỹ thuật phần mềm, nâng cấp hạ tầng và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai trong toàn quốc từ ngày 10/7/2023 về việc thực hiện trực tuyến liên thông đối với 2 nhóm thủ tục hành chính quan trọng (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí), tạo thuận lợi tối đa cho người dân và bước đầu được người dân đón nhận tích cực.
Đồng thời, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết 314.561 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và hều hết đều được thực hiện bằng phương thức trực tuyến toàn trình)...
Trong những tháng cuối năm, ông Đỗ Xuân Quý cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Bộ Tư pháp được giao; chủ trì phối hợp các Bộ ngành chuẩn bị chuẩn bị Đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024; triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Việt Nam; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ Tư pháp…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-hoi-duoc-20405-ty-dong-tu-an-tham-nhung-kinh-te-161733.html