Thu hồi gần 2,7 triệu USD của Phan Sào Nam tẩu tán ở nước ngoài
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ trước); trong đó đã thu hồi được nhiều tài sản tẩu tán ra nước ngoài như gần 2,7 triệu USD Mỹ và 127.000 đô la Singapore của Phan Sào Nam.
Ngày 16/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 24 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hơn 200 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTNTC bị xử lý hình sự
Thông báo kết quả phiên họp vào chiều 16/8, Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong công tác Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thời gian qua là công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.
Công tác giám định, định giá tài sản; phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và những khâu yếu trước đây được tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển biến tích cực.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII); trong đó đã thu hồi được nhiều tài sản tẩu tán ra nước ngoài.
Điển hình như đã thu hồi gần 2,7 triệu USD Mỹ và 127.000 đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài.
Ban Chỉ đạo đã thành lập 8 đoàn kiểm tra về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản.
Qua kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này...
Công tác PCTNTC trong các cơ quan chức năng PCTNTC và ở địa phương, cơ sở được chỉ đạo đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 419 vụ án/1.324 bị can về tội tham nhũng (tăng 252 vụ án/989 bị can so với cùng kỳ năm 2022); nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện.
Trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTNTC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.
Kết thúc điều tra 7 vụ án trong năm 2023
Trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, ông Dũng cho hay, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để PCTNTC. Trọng tâm là sớm hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất.
Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản và các dự án luật khác liên quan đến PCTNTC; khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tăng cường phối hợp, chủ động xử lý các vướng mắc trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Trong đó, phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cùng với đó là chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và khẩn trương hoàn thành thanh tra, giám sát các chuyên đề theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị.
Các cơ quan tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Một nhiệm vụ nữa được Ban Chỉ đạo lưu ý là triển khai kiểm tra chuyên đề về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước; hoàn thành các Đề án theo chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo.
Đồng thời, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở.
Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.