Thu hồi hơn 27 tỷ đồng tiền đền bù GPMB mỏ than Cao Sơn
Sau khi ra Quyết định hủy bỏ việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cải tạo và mở rộng mỏ than Cao Sơn, 4 hộ dân tại phường Mông Dương đã nộp lại đủ số tiền hơn 27,5 tỷ đồng chi trả đền bù giải phóng mặt bằng.
Đại diện lãnh đạo TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) xác nhận, sau khi ra Quyết định hủy bỏ việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cải tạo và mở rộng mỏ than Cao Sơn, 4 hộ dân tại phường Mông Dương đã nộp lại đủ số tiền hơn 27,5 tỷ đồng chi trả đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) vào tài khoản ngân hàng của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Cẩm Phả.
Thu hồi để rà soát lại
Dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 vào năm 2013, tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả), do Công ty CP than Cao Sơn làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 900ha.
Tháng 6-2015, để triển khai dự án, TP Cẩm Phả đã ra thông báo thu hồi toàn bộ diện tích hơn 900ha. Việc thu hồi, đền bù được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2015 đến nay. Trong giai đoạn 3 có 14 hộ được nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích đất bị thu hồi là gần 60ha, với tổng số tiền bồi thường lên tới hơn 59 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó UBND TP Cẩm Phả đã phát hiện có nhiều chi tiết chưa phù hợp với quy định nên đã thành lập Tổ công tác liên ngành để thanh tra, kiểm tra quá trình bồi thường GPMB dự án. Trong đó đáng chú ý là việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất chưa rõ ràng, dẫn đến sai lệch hồ sơ.
Kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cao Sơn có nhiều tồn tại và thiếu sót. Cụ thể, xác định nguồn gốc đất chưa phù hợp, từ đất trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp được xác định thành đất trồng cây lâu năm. Chứng nhận của UBND phường Mông Dương xác nhận nhãn được trồng từ năm 2013 là chưa đủ cơ sở…
Theo đó Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả Nguyễn Hải Khiên đã ký quyết định hủy bỏ phương án bồi thường hỗ trợ của 4 hộ trong giai đoạn 3 với lý do: Qua kiểm tra phát hiện thấy chưa thống nhất nội dung giữa kết quả kiểm tra thực tế và số liệu kiểm tra trên hồ sơ, phương án bồi thường, hỗ trợ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Và những dấu hiệu bất thường
Cụ thể, để thực hiện công tác GPMB giai đoạn 3 của Dự án, Công ty CP than Cao Sơn đã ký Hợp đồng giải phóng mặt bằng với Trung tâm phát triển quỹ đất TP Cẩm Phả. Theo đó Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác GPMB của Dự án. Tuy nhiên, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của Dự án có nhiều “vấn đề” cần phải làm rõ.
Theo Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 4-6-2019 của UBND TP Cẩm Phả, về việc thu hồi hơn 100 nghìn m² đất trồng cây lâu năm của hộ bà Ngô Thị Thắng, tổ 8, Khu 9, phường Mông Dương, với tổng kinh phí được bồi thường theo Quyết định số 2671/QĐ-UBND là hơn 16,4 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra, rà soát việc bồi thường về đất đối với hộ bà Ngô Thị Thắng, diện tích đất được bồi thường có cả diện tích đất nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ và diện tích nằm ngoài giấy chứng nhận QSDĐ.
Đáng chú ý, trong phương án bồi thường không xác định được cụ thể diện tích đất trong giấy chứng nhận QSDĐ và diện tích đất ngoài giấy chứng nhận QSDĐ. Đối với diện tích đất nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ, mục đích ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ là “trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp”, nhưng trong phương án bồi thường GPMB đã lập xác định là đất Trồng cây lâu năm…
Trong khi đó giá đất đền bù của Dự án trên được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt là 6 nghìn đồng/m² đối với đất trồng rừng, còn đối với đất trồng câu lâu năm là 46 ngìn đồng/m². Với sự chênh lệch lớn về đơn giá bồi thường hai loại đất, nếu xác định không đúng sẽ nâng số tiền được bồi thường lên rất lớn.
Cùng với đó việc kiểm đếm, xác định loại cây trên đất để bồi thường cho hộ bà Ngô Thị Thắng có chi tiết được Tổ công tác yêu cầu phải xem lại việc bồi thường toàn bộ diện tích trồng cây nhãn với tổng số hơn 4 nghìn cây. Bên cạnh đó việc UBND phường Mông Dương trong bản chứng nhận nhà đất, tài sản trên đất có xác nhận trồng từ năm 2013 là chưa đủ cơ sở…
Cùng với phương án bồi thường của hộ bà Ngô Thị Thắng, qua kiểm tra, ra soát Tổ công tác liên ngành của TP Cẩm Phả còn phát hiện thêm một số phương án bồi thường của các hộ Ngô Văn Quang; Bùi Văn Tạo, diện tích đất trồng cây lâu năm bị thu hồi là hơn 9 nghìn m² với tổng kinh phí được bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng và gia đình ông Vũ Văn Ngọ, bị thu hồi hơn 27 nghìn m² đất trồng cây lâu năm, với tổng kinh phí được bồi thường hơn 4,4 tỷ đồng.
Các phương án bồi thường này đều được xác định là đất trồng cây lâu năm trong khi mục đích sử dụng ghi trong Giấy chứng nhận QSDĐ là trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp.