Thu hồi sản phẩm sữa tắm em bé Gia Minh do vi phạm chất lượng
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc một số lô mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, gây lo ngại cho người tiêu dùng.
Cụ thể, sản phẩm Sữa tắm em bé Gia Minh (hộp 1 lọ 180ml) đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc. Lô sản phẩm này có số sản xuất 082024, ngày sản xuất 19/8/2024, hạn dùng đến 18/8/2027. Sản phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố 185/24/CBMP-HY.
Lý do thu hồi là do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định hiện hành.
Sản phẩm này do Công ty TNHH thương mại HD Gia Minh (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường, và được sản xuất bởi Công ty TNHH dược mỹ phẩm Quang Xanh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên).
Cùng với sữa tắm Gia Minh, lô sản phẩm Kem nám 3 in 1 SH Today Hai Duong Cosmetics (hộp 1 lọ 15g) cũng bị thu hồi. Sản phẩm này có số tiếp nhận Phiếu công bố SCB: 005217/19/CBMP-HCM, số lô 0404024, sản xuất ngày 8/4/2024 và hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày sản xuất.
Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Hải Dương (quận Tân Phú, TP. HCM) là đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và sản xuất.
Nguyên nhân thu hồi là do sản phẩm chứa Propylparaben, một chất không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được phê duyệt trong Phiếu công bố mỹ phẩm.
Ngoài ra, lô sản phẩm Kem dưỡng trắng mịn da Nairem Collagen (hộp 1 lọ 8g, số lô 01, ngày sản xuất 14/6/2024) cũng bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sản phẩm này do Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại mỹ phẩm Nhật Việt (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP. HCM) sản xuất và chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các Sở Y tế địa phương thông báo đến các cơ sở kinh doanh và sử dụng mỹ phẩm, ngừng ngay việc phân phối, sử dụng các sản phẩm bị thu hồi và trả lại cơ sở cung ứng.
Đồng thời, tiến hành thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, kiểm tra giám sát việc thực hiện của các đơn vị liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
Trước đó, để quản lý mỹ phẩm, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản chỉ đạo số 3873/BYT-VPB về việc tăng cường quản lý sản phẩm mỹ phẩm.
Văn bản này nhấn mạnh đến việc phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các trang mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế, và các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ và thông tin quảng cáo của sản phẩm.
Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với quản lý thị trường để kịp thời phát hiện các trường hợp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái nhãn hiệu hoặc quảng cáo sai lệch công dụng. Các vi phạm này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.