Thu hồi tài sản tham nhũng

Theo Bộ Tư pháp, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, cơ quan thi hành án đã thu được trên 17.000 tỷ đồng tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đây là số liệu rất đáng khích lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng vì thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự (THADS).

Hình ảnh minh họa.

Hình ảnh minh họa.

Mặc dù, số tiền thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong 5 tháng qua đã tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng Bộ Tư pháp và hệ thống THADS cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác này. Đó là, tỉ lệ thu hồi tiền trên tổng số tiền phải thu hồi vẫn còn thấp. 10 năm qua, chúng ta mới thu được 40% số tài sản tham nhũng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi, theo quy định của pháp luật, trong quá trình tố tụng, các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng thì mới được thu hồi.

Trong hầu hết các vụ án tham nhũng, người phạm tội tìm mọi thủ đoạn xóa dấu vết, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có dẫn đến việc tìm chứng cứ, chứng minh tội phạm và xác minh các tài sản liên quan đến tội phạm gặp nhiều khó khăn hoặc không thể xác định được nguồn gốc. Nhất là khi tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu... rất khó thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.

Mặt khác, nền kinh tế và thói quen sử dụng tiền mặt ở nước ta dẫn đến việc khó kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như các giao dịch tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng che giấu nguồn gốc bất minh của tài sản và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng lần theo dòng tiền, chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi vi phạm.

Rõ ràng, muốn thu hồi nhiều hơn tài sản tham nhũng thì phải nâng cao chất lượng công tác điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản và kịp thời phong tỏa tài sản tham nhũng, áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhiều chuyên gia kiến nghị cơ chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan điều phối của Đảng, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm.

Theo đó, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác phối hợp, giám sát trong quá trình phát hiện, truy tìm, kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản và động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản, để thu hồi được triệt để tài sản thất thoát cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật phòng, chống tham nhũng cần sửa đổi, bổ sung quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng qua việc kiểm soát tiền, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch hoặc hủy hoại tài sản.

Đồng thời xây dựng cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản thông qua việc khởi kiện dân sự đang được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả tron phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và hệ thống THADS cần tăng cường việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong việc phong tỏa, thu hồi tài sản của người phạm tội đã tẩu tán ở nước ngoài.

Hoảng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-post459920.html