Thu hồi tài sản tham nhũng: Thi hành xong hơn 18 ngàn tỷ đồng
Ngày mai 18/4, Tổng cục THADS tổ chức Hội nghị sơ kết công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2023 bằng hình thức giao ban trực tuyến đa phương tiện tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương.
Hội nghị được tổ chức nhằm kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Hệ thống THADS; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp, biện pháp nhằm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023.
Thể chế về THA tiếp tục được hoàn thiện
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Hệ thống THADS tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.
Nhờ thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, trong 6 tháng đầu năm, đã thi hành xong 234.069 việc tăng 32.054 việc (tăng 15,87%); đạt tỉ lệ 54,02% (tăng 4,82%). Về tiền, thi hành xong 52.241 tỷ 451 triệu 772 nghìn đồng, tăng 17.057 tỷ 878 triệu 850 nghìn đồng (tăng 48,48%); đạt tỉ lệ 26,47% (tăng 4,46%).
Riêng công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Về việc thi hành xong 900 việc, tăng 185 việc (tăng 25,87%); đạt tỉ lệ 36,00% (tăng 1,39%); Về tiền, thi hành xong 18.531 tỷ 578 triệu 675 nghìn đồng, tăng 9.481 tỷ 359 triệu 280 nghìn đồng (tăng 104,76%); đạt tỉ lệ 33,37% (tăng 12,18%);
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ luôn được quan tâm, chú trọng, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS triển khai tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 14 năm thi hành và đề xuất định hướng sửa đổi Luật THADS trong Hệ thống THADS và ban hành Báo cáo đánh giá tình kết quả thi hành thi hành Luật THADS trong nội bộ Hệ thống THADS; báo cáo đề xuất định hướng sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS; chỉ đạo tham mưu xây dựng Quyết định sửa đổi Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/01/202 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028”; chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện trình ký ban hành một số Thông tư, Thông tư sửa đổi, bổ sung; Đề án biên chế tổng thể Hệ thống tổ chức THADS giai đoạn 2023 - 2026; đề xuất chính sách về trình tự, thủ tục đặc thù trong bán đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi, bổ sung); chỉ đạo Tổng cục THADS khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành các văn bản nội bộ.
Khắc phục từng bước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân sự
Công tác hướng dẫn, nghiệp vụ trong toàn Hệ thống được quan tâm thực hiện, bảo đảm chất lượng và thời hạn. Công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ đã tham mưu giải quyết được một số vụ việc phức tạp, trọng điểm được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm; kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót hoặc bất cập của quy định pháp luật để hướng dẫn, chấn chỉnh, chỉ đạo khắc phục và đề xuất cấp có thẩm quyền về biện pháp giải quyết
Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác THADS năm 2023 trong toàn Hệ thống với yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động kiểm tra, bám sát nội dung Đề án đổi mới công tác kiểm tra và Quy chế kiểm tra của Hệ thống, trong đó chú trọng công tác tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo dõi, giải quyết đối với các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện đúng quy định.
Công tác quản lý biên chế tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, có tính đến đặc điểm, đặc thù của khu vực, vùng miền, địa phương và khối lượng công việc. Đến ngày 31/03/2023, đã thực hiện được 8.588 biên chế công chức hành chính, trong đó: có 3.673 Chấp hành viên; 878 Thẩm tra viên, có 1.633 Thư ký, còn lại chuyên viên và các ngạch công chức khác.
Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo luôn chú trọng đến việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ, mạnh dạn quy hoạch những cán bộ trẻ có phẩm chất, có trình độ, năng lực và triển vọng phát triển vào các vị trí Lãnh đạo Tổng cục, cấp Vụ thuộc Tổng cục, cấp Cục, cấp Chi cục, khắc phục từng bước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân sự, bảo đảm tính liên tục và kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được quan tâm, đổi mới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; Công tác phối hợp trong THADS; công tác truyền thông báo chí, hợp tác quốc tế, thi đua khen thưởng...đạt nhiều kết quả tích cực.