Thu hút đầu tư cho giáo dục chưa xứng với tiềm năng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại 'Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục' vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Tiềm năng còn rất lớn
Ngày 16/10, Phát biểu khai mạc diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.
Tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỷ USD. Việt Nam hiện có 05 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, còn có hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Diễn đàn
Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay, Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục, cung cấp thêm cơ hội cho người học.
Trong đó, có một số cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đã khẳng định được chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy qua việc tích hợp giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam với chương trình của các nước tiên tiến khác.
“Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Việt Nam đã có 3 cơ sở được xếp hạng vào danh sách 1.000 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới và 8 cơ sở được xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu Châu Á. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực, được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GDĐT cũng nhận mạnh rằng, mặc dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo về việc hợp tác đầu tư trong giáo dục thời gian qua, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GDĐT) cho biết, trong năm 2019 – 2020, số lượng học sinh tại các trường mầm non là khoảng 4,9 triệu người, tại các trường trung học phổ thông là 16,9 triệu người, và các trường cao hơn là 1,7 triệu người. Trong khi đó, hiện nay có tổng số 452 chương trình quốc tế tại Việt Nam, trong đó, có 70 cơ sở Đại học có các chương trình quốc tế. Qua đó, ông Hưng nhận định rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đầu tư cho giáo dục.
Cần đổi mới phương pháp đào tạo
Dưới góc độ là lãnh đạo một trong những tập đoàn giáo dục lớn, PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng chia sẻ, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục, Tập đoàn Nguyễn Hoàng mong muốn được đồng hành cùng các nhà đầu tư tâm huyết trong và ngoài nước.
Ngoài ra, mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và cung cấp các dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới; được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý một cách nhanh nhất.
Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục mở rộng đầu tư
TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Lang cho rằng, cách mạng kỹ thuật số trong thời đại 4.0 đã tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đồng thời, cũng tạo nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi, đáp ứng các yêu cầu về trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp.
Theo đó, đại diện Trường Đại học Văn Lang đề xuất, cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian và đổi mới phương pháp đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển.
Bà Dương Thị Mỹ Linh, Giám đốc học thuật và phát triển đối tác tại Nisai Vietnam cũng cho rằng, phải tận dụng lợi thế về công nghệ hiện đại, học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội giao lưu và học trực tuyến tương tác theo thời gian thực với đội ngũ giáo viên nước ngoài.
Đơn cử như chương trình Cambridge IGCSE hiện nay được giảng dạy trên 140 quốc gia và tại hơn 3.700 trường, trong đó có 1.300 trường tại Vương Quốc Anh. IGCSEs là chứng nhận giáo dục Trung học phổ thông phổ biến trên thế giới dành cho học sinh từ 14 -16 tuổi. Sở hữu chứng chỉ IGCSEs mở ra những cơ hội để học sinh có thể tiếp tục học tập học cao hơn trong hoặc ngoài nước. Ví dụ như đạt điểm C cho môn Tiếng Anh IGCSE thường là đáp ứng được điều kiện về ngoại ngữ tại một số trường đại học ở một số quốc gia sử dụng tiếng Anh.
“Mô hình du học trực tuyến này tạo điều kiện để học sinh dễ dàng được tiếp cận với nền giáo dục ưu việt của Vương quốc Anh mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, vùng miền, hay điều kiện thể chất lẫn tinh thần”, bà Linh nói và cho biết thêm, Trường trực tuyến Nisai đã đăng ký với Bộ giáo dục của Anh và trở thành trường trực tuyến đầu tiên và duy nhất tại Anh được thanh tra bởi OFSTED và đạt mức xếp hạng tốt vào năm 2017. Hằng năm, có khoảng 2.000 học sinh đến từ hơn 10 quốc gia khác nhau theo học.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-hut-dau-tu-cho-giao-duc-chua-xung-voi-tiem-nang-d131498.html