Thu hút đầu tư: Điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2019
Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế TP. Đà Nẵng 9 tháng đầu năm với 101 dự án FDI được cấp mới, 11 dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký đạt 533,7 triệu USD.
Trong thông báo tình hình kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2019, Cục Thống kê Đà Nẵng không đưa ra mức tăng trưởng kinh tế chung của thành phố (tổng sản phẩm trên địa bàn – GRDP) mà chỉ đề cập từng chỉ số, thành phần kinh tế cụ thể. Trong đó, “điểm cộng” lớn nhất của kinh tế Đà Nẵng 9 tháng đầu năm là kết quả thu hút đầu tư.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã thu hút được 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 3.247 tỷ đồng; nâng tổng số dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đầu tư tại TP. Đà Nẵng lên 326 dự án, tổng vốn đầu tư 99.124 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), so sánh với kết quả thu hút đầu tư FDI cùng kỳ năm 2018 cho thấy dự án cấp mới và dự án tăng vốn tương đương về mặt số lượng, nhưng chất lượng dự án và tổng vốn đầu tư năm 2019 tăng mạnh gấp nhiều lần. Cụ thể, đã thu hút được 101 dự án mới với tổng vốn đầu tư 416,3 triệu USD, tăng tới gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2018 về vốn (98 dự án tổng vốn đăng ký 52,35 triệu USD). Có 11 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 117,32 triệu USD, tăng tới 63 lần về vốn so với năm 2018 (11 dự án tổng vốn tăng thêm 1,863 triệu USD).
Lũy kế đến thời điểm 15/9, TP. Đà Nẵng đã thu hút được 783 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ USD.
Kết quả sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương Đà Nẵng ghi nhận kết quả tích cực đối với lĩnh vực thương mại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 42.300 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng nhẹ.
Cụ thể, đối với công nghiệp, 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,1% với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2019, ước chỉsố tiêu thu ̣giảm 0,38% so vớ i cùng kỳ. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính cuối tháng 9/2019 giảm 34,07% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp ước tính tháng 9/2019 giảm 13,71% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, ước tính quý III/2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 816,9 triệu USD, tăng 8,17% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 477,8 triệu USD, tăng 16,46%; nhập khẩu đạt 339,2 triệu USD, giảm 1,69%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 2.216,7 triệu USD, tăng 0,52% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 1.251,3 triệu USD, tăng 3,18%; nhập khẩu ước đạt 965,4 triệu USD, giảm 2,72%.
Mặc dù nền kinh tế của Đà Nẵng 9 tháng năm 2019 tiếp tục xuất siêu gần 286 triệu USD, nhưng nhìn chung giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng không đáng kể so với cùng kỳ.
Hoạt động dịch vụ - du lịch của TP. Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2019 ghi nhận tăng trưởng tốt, ổn định với tổng doanh thu của cả 3 ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 17.673,4 tỷ đồng, tăng 9,22%. Tuy lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng tăng khá cao (hơn 5 triệu lượt khách lưu trú, tăng 19,88% so với cùng kỳ), nhưng số ngày lưu trú có dấu hiệu giảm.
9 tháng đầu năm, đã có gần 4.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 20.300 tỷ đồng; cùng với đó có 471 doanh nghiệp giải thể. Lũy kế đến hiện tại, Đà Nẵng có tới hơn 30.000 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 206.302 tỷ đồng.
Ngoài ra, những chỉ số đáng chú ý có thể nhắc đến trong 9 tháng đầu năm gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành ước thực hiện 29.955 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.