Thu hút đầu tư FDI: Giải mã 'hiện tượng lạ' tại Bắc Giang

Thay vì những địa danh quen thuộc trước đây như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… thì 5 tháng đầu năm nay, Bắc Giang được xướng tên dẫn đầu trong thu hút đầu tư FDI.

Chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư FDI cả nước

5 tháng đầu năm nay, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký với gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn FDI đăng ký cả nước và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thu hút FDI: Giải “hiện tượng lạ” tại Bắc Giang (Ảnh minh họa)

Thu hút FDI: Giải “hiện tượng lạ” tại Bắc Giang (Ảnh minh họa)

Tiếp sau là Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với 21 dự án được cấp mới, vốn đăng ký 952,71 triệu USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư FDI cả nước. Tăng trưởng GRDP đạt 8,4%, xếp thứ 8 cả nước.

Đánh giá của giới chuyên gia kinh tế: Thực tế, Hà Nội xếp vị trí thứ nhất nhưng chủ yếu nhờ thương vụ SMBC chi 1,5 tỷ USD mua cổ phần của VPBank, còn Bắc Giang mới đích thực là “quán quân”. Từ đầu năm tới nay, tỉnh này thu hút nhiều dự án quy mô lớn, như: Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore), chuyên sản xuất linh kiện điện tử; hay Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Hai dự án này có quy mô vốn lên tới 761 triệu USD.

Đáng nói, không chỉ riêng năm nay, nhiều năm trở lại đây, Bắc Giang đã là địa phương đi đầu cả nước trong tận dụng được cơ hội của dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Nhiều đại gia công nghệ như Foxconn, Luxshare… đầu tư cả tỷ USD vào địa phương này.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND Bắc Giang - đánh giá: Bắc Giang là điểm sáng về phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của tỉnh dự kiến đứng thứ 2 cả nước, tăng trưởng công nghiệp dẫn đầu cả nước; các chỉ số PCI, cải cách hành chính luôn đứng top đầu cả nước.

Chủ tịch UBND Bắc Giang cũng khẳng định, có được kết quả này là sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy ông mong muốn thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục phát triển vững mạnh đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh.

Doanh nghiệp - trụ cột nền kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn xác định doanh nghiệp là “trụ cột của nền kinh tế”. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, phục vụ tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tỉnh thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư; các ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, triển khai đồng bộ biện pháp nhằm trợ giúp doanh nghiệp phát triển. Các tổ chức hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền.

Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đây, chia sẻ với những kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp trao đổi, làm rõ từng vấn đề.

Về vấn đề cung ứng điện, Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, tình trạng thiếu điện xảy ra ở toàn miền Bắc do các hồ thủy điện cạn nước. Để đảm bảo an toàn, hệ thống điện quốc gia buộc phải điều độ lại nguồn cung điện và phân bổ công suất cho địa phương. Với lượng điện được phân bổ Bắc Giang thiếu khoảng 30% so với nhu cầu.

Đáp ứng sản xuất kinh doanh, từ ngày 6/6 Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo ưu tiên cấp điện ban ngày cho các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp có đường dây riêng để sản xuất, còn ban đêm ưu tiên cấp điện cho người dân sinh hoạt. Đối với doanh nghiệp có đường dây chung với khu dân cư, Công ty Điện lực sẽ xem xét nếu có thể tách riêng ra được để đảm bảo ban ngày có điện sản xuất thì công ty sẽ xem xét giải quyết.

Thời gian tới ngành điện sẽ cố gắng có thông báo chính xác về việc cắt điện đến người dân, doanh nghiệp để chủ động phương án sản xuất. Hiện ngành điện đang nỗ lực cố gắng để giải quyết tình trạng thiếu điện trong khả năng, mong người dân, doanh nghiệp có phương án sử dụng điện tiết kiệm và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh.

Về khó khăn trong tiếp cận vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% - 2,4% áp dụng tùy vào từng gói vay và thời hạn vay để hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, để vay vốn tại các ngân hàng, khách hàng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Trong 5 tháng đầu năm dư nợ tăng trưởng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 1,6%, thấp so cùng kỳ, do đó doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn các ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho vay.

Bắc Giang đã nỗ lực phấn đầu từ nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình lên nhóm khá trên bảng xếp hạng cả nước, đặc biệt chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 có sự thăng tiến vượt bậc, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Thu hút đầu tư tư FDI hàng năm liên tục duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hut-dau-tu-fdi-giai-ma-hien-tuong-la-tai-bac-giang-258966.html