Thu hút đầu tư vào y dược: Chìa khóa không chỉ là các chính sách hỗ trợ
Câu hỏi đang đặt ra là, tại sao tốc độ tăng trưởng, phát triển của ngành y dược Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dù cơ chế ưu đãi được xếp vào danh mục hấp dẫn nhất.
Thảo luận cách thức thu hút đầu tư mới để phát triển y dược là nội dung được cả giới hoạch định chính sách, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các chuyên gia quan tâm tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y, dược do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 20/7.
Nói về tiềm năng, thế mạnh của ngành dược, tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng một cách nhanh chóng, đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022.
Theo dự báo của các các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan liên quan, con số này sẽ tăng khoảng 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm Việt Nam cũng trên đà tăng trưởng và phát triển rất mạnh, với tổng giá trị khoảng 3,4 tỷ USD vào năm 2015 và lên 7 tỷ USD vào năm 2022, tăng trưởng kép bằng 10,6%, trong đó sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị thuốc điều trị.
Giới chuyên gia dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 13 tỷ USD và tiền mua thuốc bình quân đầu người thì sẽ đạt khoảng 75 tỷ USD. Đây cũng là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp dược với tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đến nay, số nhà máy sản xuất dược ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GDP là 228 nhà máy, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vắc-xin và 6 nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vắc xin và 77 nhà máy và sản xuất dược liệu, cho thấy rõ sự phát triển của thị trường dược Việt Nam.
Tuy vậy, so với tiềm năng và nhu cầu thì con số này còn khá khiêm tốn và rất cần sự tham gia của cả khu vực trong nước và khu vực nước ngoài.
Song song với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam cần đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghệ dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu này, theo Luật Đầu tư, ngành sản xuất thuốc nguyên liệu sản xuất thuốc và các sinh phẩm thuốc dược phẩm, y học cổ truyền... đều là những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi cao nhất.
Song, câu hỏi đang đặt ra là tại sao tốc độ tăng trưởng, phát triển của ngành dược vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn, dù đã có chính sách ưu đãi hấp dẫn, trong đó đáng quan tâm là ngành sản xuất các thuốc công nghệ mới.
“Do đó, chúng tôi rất mong muốn có sự hợp tác chuyển giao công nghệ đối với những sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc Việt Nam, đây cũng chính là lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới", bà Ngọc nói.
Đưa ra giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất cung ứng các dược phẩm và dịch vụ y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất thuốc vắc-xin sinh phẩm. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng cần được cân nhắc, nhất là sau thời điểm 1/1/2024 tới, nhiều quốc gia, kể cả quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển sẽ áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra, ngành dược cần tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, bảo quản - mấu chốt đặc thù mang tính quyết định đối với chất lượng của các sản phẩm của ngành.
Về nội dung này, cũng như việc xây dựng hệ thống logistics đạt chuẩn quốc tế ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam cần hình thành được những cụm, khu công nghiệp sản xuất dược, từ đó phát triển ngành công nghiệp dược.
Nêu khó khăn nội tại của ngành dược, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, sự thay đổi của ngành chậm hơn so với nhiều ngành khác do có yếu tố lịch sử. Trước đây, 100% lĩnh vực này do nhà nước sở hữu chi phối, sau đó, qua quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân dần tham gia vào.
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp được cổ phần hóa, nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn do con người cũ, quy trình cũ vận hành, nên khó chuyển hóa nhanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân mới tham gia thị trường hạn chế về uy tín, tiềm lực vốn, khả năng tự nghiên cứu.
Chưa kể, những khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… rất nhiều yếu tố gây hạn chế cho sự phát triển của dược phẩm Việt Nam.
Từ góc độ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo ông Sử, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tiếp cận và muốn đầu tư vào doanh nghiệp dược, nhưng muốn trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp đang có vốn nhà nước thì quy trình rất phức tạp, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước thì lại vướng về tư duy, cách thức quản trị doanh nghiệp.
Đưa ra góc nhìn nhằm thúc đẩy ngành dược phát triển, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ hay ưu đãi tài chính.
Theo ông Hiếu, nhà đầu tư rất quan tâm đến sự an toàn, ổn định, yên tâm đầu tư, tránh thay đổi vì đầu tư vào ngành dược thường rất lớn. Vậy nên, khi tham vấn chính sách, các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, chứ không đơn thuần là những điều cơ quan quản lý hay doanh nghiệp trong nước muốn.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quốc tế rất lớn, nên chính sách của Việt Nam cần cạnh tranh và lợi thế hơn, liều lượng và cách nghĩ phải thật sự khác mới thúc đẩy phát triên.
Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ chế phối hợp giữa các bên, trong nước - nước ngoài rất quan trọng. “Chúng ta tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần thúc đẩy sự tham gia gắn kết của các doanh nghiệp trong nước”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, ngành dược là ngành đặc thù nên có những khó khăn nhất định.
Chẳng hạn, 10.000 phương án thử nghiệm thuốc thì chỉ 1 sản phẩm thành công và chỉ 1/3 số thành công có thể đưa vào hoạt động thương mại. Bởi vậy, hoạt động đầu tư vào dược phẩm rất lớn. Các công ty dược phẩm sinh học đã và đang duy trì tổng đầu tư vào R&D hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu trong một thập kỷ, tính đến năm 2030. Trung bình tỷ trọng đầu tư vào R&D thường chiếm 15% doanh thu của công ty dược, mất 10 đến 15 năm và chi phí 2,6 tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới, từ lúc nghiên cứu tới lúc thuốc được phê duyệt theo quy định...
Đây là lý do các doanh nghiệp dược rất cẩn trọng trong việc đầu tư ra ngoài và thực hiện việc chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu toàn cầu cho thấy, có 10 yếu tố giúp quốc gia thành công trong thu hút chuyển giao công nghệ, bao gồm các yếu tố ổn định chính trị, minh bạch, ổn định.
Việt Nam đã có định hướng cho phát triển dược phẩm trong tương lai, cần thêm thị trường vốn phù hợp, môi trường minh bạch, sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng lao động trình độ cao và những ưu tiên rõ ràng.
Chủ tịch Pharma Group cũng cho rằng, thu hút đầu tư vào ngành dược mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu có hành động. Vậy nên, Việt Nam cần ý thức được sự cạnh tranh đầu tư từ các quốc gia khác và đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư.
Ông khuyến nghị, Chính phủ cần tập trung cải cách thể chế, đảm bảo môi trường đầu tư - kinh doanh có tính khả thi, khả năng dự báo; tập trung cải thiện môi trường chính sách. "Đây là thời điểm thích hợp để phát hiện các vấn đề chưa phù hợp, để điểu chỉnh. Và đây cũng là các yêu tố tiên quyết để thu hút các dòng đầu tư mới", Chủ tịch Pharma Group chia sẻ quan điểm...