Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội trong mọi tình huống. Xác định thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp được xem là giải pháp trọng tâm để ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai đã ban hành và triển khai hàng loạt các chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhất quán chủ trương
Những năm gần đây các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả khả quan, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường nội địa và từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Những kết quả trên thể hiện rõ vai trò đi đầu, dẫn đường của doanh nghiệp để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị cao. Theo thống kê năm 2022, số doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới là 821 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 14.995 doanh nghiệp nông nghiệp, song, đây vẫn là con số rất khiêm tốn thể hiện rõ nông nghiệp là ngành kém hấp dẫn, rủi ro cao, chưa đủ sức hấp dẫn với khối kinh tế tư nhân.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năm 2029, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 53/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, trong đó nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Ngày 12.6.2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018 với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, yêu cầu về đối tượng hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp. Cốt lõi của vấn đề là nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn để chính sách đi vào thực tiễn, đến được với những doanh nghiệp đang có nhu cầu và tiềm năng muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Sẵn sàng các nguồn lực thu hút đầu tư
Tại Đồng Nai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tỉnh Cao Tiến Sỹ cho biết, tỉnh đã xác định cụ thể phương án phát triển ngành nông nghiệp với các yêu cầu như xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo tính ổn định lâu dài về đất đai nhằm kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch và xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, Cụm công nghiệp Phú Túc thuộc xã Phú Túc (huyện Định Quán) được đưa ra đấu giá để chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau khi hoàn thành sẽ thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thuê đất, xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Dự kiến Dự án Cụm công nghiệp Phú Túc có diện tích hơn 48ha khi đi vào hoạt động sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm; 40% diện tích còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương cũng như tiêu thụ nông sản cho các địa phương lân cận như: Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc…
Mặt khác, Đồng Nai cũng không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như đơn giản hóa thủ tục cho vay; sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu.
Đồng thời hoàn hiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách dự báo thị trường; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng sản phẩm bảo hiểm, thủ tục tham gia thuận tiện.
Để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu) trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn. Về đất đai, Đồng Nai đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản thủ tục cho thuê, chuyển nhượng đất đai; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp.
Giai đoạn tới, Đồng Nai tiếp tục định hướng thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án cánh đồng lớn để thực hiện việc liên kết giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững; phấn đấu xây dựng các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến bảo đảm số lượng, chất lượng; hướng dẫn doanh nghiệp sơ chế và chế biến phù hợp, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo tiêu chuẩn nước ngoài để xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, những tháng cuối năm 2023, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.