Thu hút doanh nghiệp FDI tạo đà nâng kim ngạch xuất khẩu
Thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ tác động đến cơ cấu kinh tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, mà còn khẳng định vai trò
Thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ tác động đến cơ cấu kinh tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, mà còn khẳng định vai trò "đầu tàu” kéo thành tích xuất khẩu của tỉnh.
Đóng góp đáng ghi nhận
Công ty TNHH Sankoh Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình với ngành nghề sản xuất chính là điện trở thành phẩm; dây dẫn sử dụng cho ô tô; điều hòa và máy tính xách tay. Năm 2020, giá trị xuất khẩu của công ty đạt hơn 15 triệu USD; năm 2021 hơn 16 triệu USD; năm 2022 hơn 17,4 triệu USD. Trong bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, song năm 2023, công ty vẫn phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt khoảng 14,5 triệu USD.
Ngoài Công ty TNHH Sankoh Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI khác đã tạo nên "đầu tàu” kéo giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, doanh thu và xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, như ở Khu công nghiệp Lương Sơn có Công ty COASIA CM tính đến hết năm 2023 ước đạt trên 300 triệu USD; Công ty TNHH DoosungTech Việt Nam ước đạt xấp xỉ 200 triệu USD; Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam Hòa Bình ước đạt 80triệu USD…
Toàn tỉnh hiện có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 608 triệu USD. Các doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… đầu tư tập trung tại Khu công nghiệp Lương Sơn, bờ trái sông Đà và chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc. Những năm qua, doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 17.000 lao động, chủ yếu là người địa phương với thu nhập bình quân đạt khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1 tỷ 695 triệu USD, tăng 17,94% so với cùng kỳ, đạt 100,04% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm hàng điện tử, nhóm hàng dệt may chiếm chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tập trung vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU... phát triển thêm một số thị trường mới như: Canada, Anh quốc, Ấn Độ, châu Phi...
Đẩy mạnh thu hút FDI
Theo đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, có rất nhiều lợi ích từ việc thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Trước tiên, doanh nghiệp FDI là người đứng ra khai phá thị trường mới, từ đó, thông tin về thị trường mới cũng nhiều hơn, góp phần kích thích doanh nghiệp "nội” phát triển sản xuất theo hướng xuất khẩu hàng hóa. Thứ hai, các doanh nghiệp FDI tăng xuất khẩu sẽ góp phần vào việc tạo dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt ở các thị trường mới, góp phần thu hút đầu tư.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh trong 5 năm (2021 - 2025). Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao tỷ lệ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp; tạo nhiều diện tích đất sạch đã có hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư lớn, nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực; hỗ trợ có hiệu quả các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như: Yên Quang, Bình Phú, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh. Nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đã hình thành lên hơn 80%. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tương đương 4.600 ha)…
Đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và giải pháp xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nói chung, thu hút nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp nói riêng. Tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp.
Tập trung thu hút các dự án thân thiện với môi trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp nhiều ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Tổ chức tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm năng (các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc... các nhà đầu tư mới từ châu Âu, châu Mỹ và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam) để mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và cam kết tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban luôn coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Ban Quản lý; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khu công nghiệp chính là những nội dung ưu tiên phối hợp giải quyết.