Thu hút du khách từ sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa

Địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vừa đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và diễn ra Lễ kỷ niệm 593 năm Chiến thắng Xương Giang. Nơi đây cũng bắt đầu cho Tuần Văn hóa-Du lịch Bắc Giang 2020 (diễn ra từ ngày 29-1 đến hết 12-2) với nhiều hoạt động văn hóa lịch sử truyền thống, minh chứng về một vùng đất hào hùng và nhiều trầm tích văn hóa.

Điểm đến của hòa bình

Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là nơi ghi dấu chiến công của nghĩa quân Lê Lợi. Năm 1427, quân ta ở Xương Giang đã chốt chặn, bao vây tiêu diệt hàng vạn quân địch, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch cứu viện của quân Minh, giáng một đòn quyết định buộc Vương Thông ở Đông Quan phải xin hòa, kết thúc chiến tranh, giành lại độc lập trọn vẹn cho Đại Việt. Chiến thắng Xương Giang cũng đập tan âm mưu đồng hóa văn hóa, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập, hưng thịnh kéo dài gần 4 thế kỷ trong lịch sử dân tộc. Đền Xương Giang, “trái tim” của địa điểm Chiến thắng Xương Giang ngày nay, được xây dựng uy nghi, bề thế với các hoành phi, câu đối… đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, để bất kỳ du khách nào đến đền đều có thể tự tìm hiểu lịch sử của cha ông.

Bên Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang, nghe câu quan họ cổ, nhâm nhi chiếc bánh đa kế, nhấp ngụm rượu làng Vân giữa tiết trời se lạnh của Lễ kỷ niệm 593 năm Chiến thắng Xương Giang, chúng tôi được bà Dương Thị Hải Vân, Tổng giám đốc Hợp tác xã Hải An (Bắc Giang), kể về một trong những vị danh tướng được thờ trong đền Xương Giang-danh tướng Phạm Văn Liêu, người có công chỉ huy nhân dân quanh vùng công phá thành Xương Giang. Ông được vua Lê Lợi cử ở lại trấn ải thành phía Bắc và sau này dựng cơ nghiệp tại Bắc Giang. Điều quý giá là hậu duệ vị danh tướng này hiện ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang và đang gìn giữ hơn 28 tấm sắc phong ghi nhận công lao của ông từ thời vua Lê Lợi.

 Màn múa trống tại Lễ hội Xương Giang. Ảnh: ĐỒNG THÚY-TTXVN

Màn múa trống tại Lễ hội Xương Giang. Ảnh: ĐỒNG THÚY-TTXVN

Không gian địa điểm Chiến thắng Xương Giang những ngày này tưng bừng, đậm chất Tết, chất xuân. Chị Trần Thị Minh Trang, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang cho chúng tôi biết thêm về danh tướng Phạm Văn Liêu và con cháu ông: “Thời gian gần đây, Ban quản lý di tích TP Bắc Giang cũng tìm được cả hậu duệ của danh tướng này còn ở Bắc Giang. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là "địa chỉ đỏ" kết nối con cháu các vị danh tướng, cùng du khách thập phương về tìm lại lịch sử, học tập truyền thống, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân”.

Lang thang qua các gian hàng trưng bày chợ quê và giới thiệu ẩm thực Bắc Giang, đắm mình với những liên tưởng về trận chiến xưa qua bức tranh mô tả Chiến thắng Xương Giang, các hoạt cảnh vua Lê dù đánh thắng giặc nhưng vẫn nhận hòa, cấp lương, cấp tiền đưa giặc về nước, hòa vào không khí lễ hội, chúng tôi càng hình dung rõ hơn về quá khứ với việc mở ra hòa bình của Chiến thắng Xương Giang và để trân trọng hơn những giá trị hòa bình ngày nay.

Lần đầu tiên giới thiệu nhiều nét văn hóa đặc sắc

Trở về thời quá khứ để hình dung Bắc Giang-một vùng đất có núi rừng hiểm trở, là thành lũy quan trọng bảo vệ kinh đô Thăng Long và thấy tầng tầng lớp lớp văn hóa, lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Không chỉ Chiến thắng Xương Giang, vẫn còn đây chốn Tổ của Phật giáo Trúc Lâm, rừng thiêng Yên Thế dưới thời “hùm xám” Hoàng Hoa Thám, chùa Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm, ngoài những giá trị văn hóa độc đáo là những khu vực kháng chiến, những thành lũy bảo vệ đất, giữ làng, giữ nước…

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên là người yêu quê hương như bao người con Bắc Giang khác. Từ trước khi bắt đầu Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2020 cả tháng, ông dùng mạng xã hội giới thiệu với bạn bè về sự kiện này và mời gọi mọi người về thăm chùa Bổ Đà, thưởng lãm Bảo vật quốc gia-bộ kinh Mộc bản bằng gỗ thị được coi là cổ nhất thế giới và lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi tới công chúng… Mang chủ đề "Bắc Giang-Miền đất thiêng Tây Yên Tử", Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2020 giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn. Sự kiện này minh chứng Bắc Giang là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách với nhiều sắc màu văn hóa như: Lối hát cổ hát ống-hát ví Liên Chung (huyện Tân Yên), Lễ mở cửa rừng của đồng bào Tày, Nùng tại xã Hương Sơn (huyện Lạng Giang) lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi tới công chúng, Lễ hội Tân Sơn (huyện Lục Ngạn) với hội hát soong hao, chợ tình, phiên chợ vùng cao…

Ông Lê Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng ban tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2020 cho biết: “Là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh có thương hiệu về du lịch, là điểm đến của du lịch văn hóa-tâm linh, lịch sử-văn hóa, sinh thái-nghỉ dưỡng hấp dẫn trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Chúng tôi mong muốn gửi thông điệp đến du khách rằng, Bắc Giang là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử. Qua đó, quảng bá, mời gọi du khách đến tham quan trải nghiệm, thưởng thức các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và cùng với Bắc Giang chung tay bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của đất nước”.

LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thu-hut-du-khach-tu-san-pham-du-lich-lich-su-van-hoa-608973